Hình minh họa

Hàng trăm khách hàng đến ‘chiếm’ dự án Petrovietnam Landmark

Ngày 15.6, hàng trăm khách hàng đã kéo đến trụ sở Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí VN (PVCLand) và dự án Petrovietnam Landmark (Q.2, TP.HCM) để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao căn hộ, các khách hàng tuyên bố ‘chiếm’ dự án để tự làm thay vì chờ đợi chủ đầu tư. Bởi đến nay sau hơn 4 năm mua nhà, khách hàng vẫn chưa nhận được nhà như cam kết trong hợp đồng mua bán.

Sau cuộc gặp mặt ở công ty, khoảng 13 giờ chiều cùng ngày các khách hàng tiếp tục kéo đến dự án Petrovietnam Landmark để đòi nhà, “chiếm” dự án. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư đã kiên quyết không cho khách hàng vào dự án, với lý do là nhà thầu ACC đã khóa cửa niêm phong, không cho vào để bảo vệ tài sản.

Yêu cầu thẩm định lại dự án lấp sông Đồng Nai

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.

Trong đó đặc biệt là các tác động của dự án tới dòng chảy sông Đồng Nai, làm cơ sở xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý dự án trên theo đúng các quy định của pháp luật.

Khách hàng thua vụ kiện Keangnam – Vina

Tòa tuyên bác đơn khởi kiện của bà Thanh với Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina về yêu cầu hủy hợp đồng bán căn hộ.

 Sau 5 ngày nghị án, sáng 17/6, TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tuyên bác đơn khởi kiện của bà Thanh với Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina về yêu cầu hủy hợp đồng bán căn hộ.

Theo đơn khởi kiện, khoảng cuối năm 2009, bà Thanh ký hợp đồng mua căn hộ tại tầng 7 của tòa A Keangnam (Mễ Trì) với diện tích gần 119 m2, tổng giá trị 320.000 USD. Tháng 3/2010, bà Thanh thanh toán cho chủ đầu tư gần 800 triệu đồng.

Bà Thanh khởi kiện vì cho rằng, Keangnam không có chức năng được sử dụng ngoại tệ trong việc mua bán, giao dịch căn hộ và các đợt thanh toán bằng USD là vi phạm Pháp lệnh ngoại hối.

Bong bóng bất động sản đang phình?

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy hàng tồn kho bất động sản đang giảm mạnh. Hàng loạt dự án rầm rộ mở bán và đặc biệt nhiều dự án “trùm mền” trước đó giờ đây cũng đang dần hồi sinh trở lại. Một trong những nguyên nhân khiến bất động sản hồi sinh là do niềm tin dường như đã trở lại. Mặt khác, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản cũng tăng mạnh. Phải chăng bong bóng bất động sản một lần nữa đang phình trở lại.

Việc thị trường bất động sản đang nóng lên từng ngày đã mang đến “niềm vui” cho những doanh nghiệp trong ngành và cả nền kinh tế. Tuy nhiên, với sự phục hồi khá nhanh và tín dụng bất động sản đang tăng mạnh cũng gây ra những lo ngại về “bong bóng” trên thị trường bất động sản có thể phình lên. Bài học về cái bẫy phục hồi của bất động sản năm 2010 khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vẫn còn đó. Do vậy, việc thận trọng với sự phục hồi của thị trường bất động sản trong lúc này vẫn rất cần thiết với doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư.

Hà Nội: Thêm nhiều dự án nhà từ 10 triệu đồng/m2

Một loạt dự án nhà ở xã hội có mức giá 10 triệu đồng/m2 mới được mở bán tại Hà Nội trong bối cảnh thiếu nguồn cung nhà giá rẻ.

 Cách đây khoảng 3 năm, những dự án như Đại Thanh (Hà Đông), Đặng Xá (Gia Lâm) từng được mở bán với mức giá trên dưới 10 triệu đồng một m2, mức giá được coi là sốc trên thị trường thời điểm đó. Tuy nhiên, gần đây, số lượng các dự án có mức giá bình dân có số lượng ngày một nhiều hơn.

Công ty CP Tập đoàn C.E.O vừa công bố mở bán căn hộ Bamboo Garden với giá bán gần 10 triệu đồng một m2. Theo đó, mỗi căn hộ ở đây có giá từ 480 triệu đến hơn 657 triệu đồng, diện tích từ 48m2 đến 66m2. Dự án này được phát triển tại khu đô thị Sunny Garden City (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội). Đại diện chủ đầu tư cho biết, dự kiến căn hộ sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Không có chuyện “tháo khoán”

Chỉ còn 12 tháng nữa, thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ưu đãi cho bất động sản sẽ kết thúc. Khách mua nhà đang chờ khả năng thay đổi cơ cấu cho vay, cũng như mở rộng đối tượng được vay gói tín dụng ưu đãi này.

Về khả năng mở rộng đối tượng cho vay và thay đổi cơ cấu nguồn vốn, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước không tính đến khả năng này, vì với tư cách là gói tín dụng ưu đãi cho người có thu nhập thấp mua nhà để ở, các điều kiện phải đảm bảo để gói tín dụng đến đúng đối tượng. Để tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi, Nghị quyết 61/NQ – CP  (ngày 21/8/2014), Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm, từ đó mức phải trả nợ gốc và lãi hàng tháng của người vay đã giảm nhiều và nhiều đối tượng đã hội đủ điều kiện về khả năng trả nợ để được vay vốn.

Căn hộ chênh giá hàng trăm triệu đồng vì khan ảo

 Người mua nhà phải trả tiền chênh cả trăm triệu cho căn hộ vừa được chào bán lần đầu, hoặc chấp nhận mức giá sau cao hơn giá trước đó vì lý do hết hàng.

Là nhân viên văn phòng, chị Hải Anh (ở trọ quận Bình Thạnh) chỉ đủ tiền mua chung cư giá rẻ tại Thủ Đức, TP HCM với giá tư vấn ban đầu là 840 triệu đồng, rộng 58 m2. Tuy nhiên, kể từ ngày giữ chỗ (nộp 20 triệu đồng) cho đến khi chính thức ký hợp đồng mua bán khoảng 2 tháng, căn hộ của chị được chào giá mới 900 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng.

Tình trạng khan hàng ảo đẩy giá bất động sản nhích lên cũng xuất hiện tại thị trường phía Bắc. Anh Giang (Nghĩa Tân, Hà Nội) dự định mua một căn hộ tại Cầu Giấy sau khi đi tham khảo nhiều nơi. Tuy nhiên, khi làm việc với nhân viên môi giới của một sàn độc quyền phân phối dự án, hầu hết những căn khách muốn mua đều đã bán hết.

Thịnh Châu (TH)