Đất mua bán bằng giấy viết tay được cấp sổ đỏ: Thủ tục, hồ sơ, nơi tiếp nhận.

Từ 3/3, đất mua bán bằng giấy viết tay trước năm 2008 sẽ được cấp sổ đỏ theo Nghị định 01/2017. Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết quy định về hồ sơ xin cấp sổ đỏ, nơi nộp hồ sơ và trình tự giải quyết

  • Rủi ro mua nhà không sổ đỏ, giá rẻ bằng một nửa
  • Người dân xin cấp sổ đỏ chỉ cần ‘vài click chuột’
  • Diện tích đất “cơi nới” trái phép vẫn được cấp sổ đỏ

Nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/3 có quy định người dân mua bán bằng giấy tờ viết tay trước 2008 sẽ được giải quyết cấp sổ đỏ.

Trình tự thủ tục để được cấp sổ đỏ với các trường hợp mua bán bằng giấy viết tay từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/01/2008 sẽ như thế nào? Người dân cần chuẩn bị hồ sơ ra sao và đơn vị nào sẽ thực hiện cấp sổ đỏ với các trường hợp này?

Nhằm cung cấp cho bạn đọc thông tin thiết thực về cách làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho đất mua bán bằng giấy viết tay, quy định về hồ sơ xin cấp sổ đỏ, nơi nộp hồ sơ và trình tự giải quyết, Báo điện tử Infonet đã liên hệ với Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai – ông Đào Trung Chính.​

 UBND cấp huyện sẽ là đơn vị cấp Giấy chứng nhận đối với những trường hợp đất mua bán bằng giấy viết tay.

UBND cấp huyện sẽ là đơn vị cấp Giấy chứng nhận đối với những trường hợp đất mua bán bằng giấy viết tay.

Ông Đào Trung Chính cho biết:

Căn cứ quy định tại Khoản 54 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 82 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) thì trường hợp người dân (hộ gia đình, cá nhân) nhận chuyển nhượng đất từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/01/2008 bằng giấy tờ viết tay thì người đang sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.

Người đang sử dụng đất sẽ thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo quy định tại Điều 70 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận:

Người sử dụng đất cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nếu có.

– Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

Nơi nộp hồ sơ:

Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã hoặc Văn phòng đăng ký đất đai.

Trình tự giải quyết:

UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận vào hồ sơ về hiện trạng sử dụng đất; nếu đất chuyển nhượng trước đó không có giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra bản trích đo địa chính hoặc thực hiện việc trích lục, trích đo thửa đất; gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp; chuẩn bị hồ sơ để trình ký giấy chứng nhận.

Trao giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao (nếu người đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp hồ sơ tại cấp xã).

Danh mục : Pháp Lý &Phong Thủy &Tin Tức BDS &Tư Vấn Pháp Lý