Bình Thạnh đang trên con đường phát triển bền vững có chiều sâu

TTO – “Bình Thạnh phát triển không ồn ào, hoa mỹ nhưng rất có chiều sâu. Đi đúng hướng và tiến những bước rất vững chắc” – ông Châu Minh Tỷ, nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nhận định rất ấn tượng về sự phát triển của quận Bình Thạnh như vậy.

Bình Thạnh phát triển không ồn ào nhưng 
có chiều sâu
Công trình cầu vượt, hầm Thủ Thiêm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh (TP.HCM) – Ảnh: Tự Trung

Ngày 24-6, quận Bình Thạnh đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập quận (tháng 6-1976 – tháng 6-2016).

Dịp này, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người dân Bình Thạnh đã có thời gian cùng nhau ôn cố tri tân – nhắc nhớ quá khứ nhọc nhằn để cùng nắm tay bước tiếp chặng đường phía trước.

Từ quá khứ 
phải “cứu đói”

Trong bài diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm, chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà đã ôn lại lịch sử vùng đất Bình Thạnh từ thời bậc tiền nhân mới khai phá. Những địa danh thời khai hoang, lập ấp như Xóm Đình Chùa, Xóm Gà, Xóm Cối, Xóm Giếng, Thị Nghè, Cây Thị, Bình Quới, Thanh Đa, Văn Thánh, Cầu Sơn… đến nay vẫn còn lưu giữ.

“Chúng ta khó có thể quên được Bình Thạnh trong những năm đầu sau ngày giải phóng. Đó là thời gian chính quyền và nhân dân quận phải chung lưng sát cánh cùng TP đối mặt với biết bao khó khăn: cơ sở vật chất trên địa bàn còn quá sức nghèo nàn, sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, các vấn nạn trộm cướp, mại dâm, cờ bạc, thất nghiệp còn tràn lan…”- ông Hoàng Song Hà nhắc lại.

Quá khứ nhọc nhằn của mảnh đất Bình Thạnh ngày nào được thể hiện qua những con số: thời điểm mới thành lập có khoảng 84.000 dân trong độ tuổi lao động (chiếm 1/3 dân số và 2/3 lao động trong quận) thất nghiệp, gần 3.000 hộ nghèo đói phải thường xuyên cứu đói, gần 6.000 hộ thường xuyên gặp khó khăn phải trợ cấp, khoảng 3.196 người mù chữ…

Từng gắn bó và hiểu khá sâu về Bình Thạnh trong quá trình lãnh đạo, điều hành TP, ông Nguyễn Thành Tài – nguyên phó chủ tịch UBND TP – nhớ lại: “Trước đây Bình Thạnh là một quận nghèo, đông dân, có những khu dân cư nghèo, lụp xụp. Quận lại nằm ở khu vực cửa ngõ, cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, điều kiện sống của người dân rất hạn chế. Thêm vào đó là tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, trộm cắp, cướp giật một thời cũng nhức nhối ở khu vực này”.

Vươn lên 
từ những trăn trở

Ông Châu Minh Tỷ – nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP, người từng có thời gian gắn bó và am hiểu về mảnh đất, con người Bình Thạnh – nhận xét rằng nhìn lại những gì đang có ở Bình Thạnh, không ít người phải ngạc nhiên về sức phát triển của nơi này.

Phân tích nguyên nhân, ông Tỷ cho rằng điểm mấu chốt góp phần tạo nên bước chuyển mình của quận là do Đảng bộ Bình Thạnh qua các thời kỳ luôn đau đáu, trăn trở, suy nghĩ và hành động vì lợi ích cao nhất của người dân. Những sáng tạo, những đột phá, sự chắt chiu từng đồng ngân sách để đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng… đều xuất phát từ mục đích để người dân có cuộc sống dễ dàng hơn.

40 năm qua, diện mạo của quận Bình Thạnh đã thay đổi. Từ một vùng đầm lầy với phân nửa số phường sản xuất nông nghiệp, nhà cửa lụp xụp, đường sá manh mún nay đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng thành những đô thị sầm uất. Có thể kể đến khu nhà ở Văn Thánh Bắc, khu nhà ở Đinh Bộ Lĩnh, khu dân cư Bình Hòa; các dự án khu bờ tây sông Sài Gòn, chung cư Miếu Nổi…

Nhiều tuyến đường, cầu giao thông được đầu tư mở rộng như Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Văn Đồng, cầu Bình Lợi, cầu vượt Hàng Xanh, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, cầu Thủ Thiêm…

Đặc biệt, trong quá trình quy hoạch phát triển, Bình Thạnh cũng là quận đầu tiên của TP thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng. Đây là cách làm sáng tạo, sau đó đã được TP nghiên cứu, triển khai trên địa bàn TP.

Mục tiêu của Bình Thạnh trong tương lai là tiếp tục phấn đấu để trở thành một trong những quận trung tâm của TP.

Quyết tâm đó được ông Hoàng Song Hà kêu gọi thực hiện “bằng chính sức mình” – sức mạnh nội lực trong từng cán bộ, đảng viên, người dân Bình Thạnh.

Ông Hà cũng khẳng định trong thời gian sắp tới, mọi công việc liên quan đến dân phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Bởi vì quận phải quan tâm chăm lo đến lợi ích thiết thực của người dân, đúng như tinh thần ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tên gọi Bình Thạnh mà nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng giải thích: “Bình là bình hòa, bình an. Thạnh là thạnh vượng, 
thạnh đạt”.

Danh mục : Phong Thủy &Tin Tức BDS