Theo kế hoạch, năm nay VAMC sẽ mua khoảng 80.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, VAMC mới mua được 42.000 tỷ đồng giá trị nợ xấu, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là 60.000 tỷ đồng. Trong khi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là phải đưa nợ xấu xuống dưới 3% trong tháng 9 này.

Liệu các ngân hàng có kịp bán nợ cho VAMC để đưa nợ xấu toàn hệ thống xuống dưới 3%? TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng với quyết tâm cao của hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua thì việc đưa nợ xấu về khoảng 3% là khả quan và thực tế. Nhưng việc xử lý căn cơ vấn đề nợ xấu và “hậu nợ xấu” chắc chắn phải mất nhiều năm nữa.

Giới chuyên gia tài chính cho rằng để bán được gần 40.000 tỷ đồng cho VAMC trong vòng 3 tháng sẽ khó đạt được. Thật ra, NHNN đặt ra mục tiêu về thời gian nghiêm ngặt như vậy là nhằm hoàn thành tái cơ cấu một vài trường hợp đặc biệt trong năm nay. Nhất là trong điều kiện một số thương vụ sáp nhập đang diễn ra khá chậm và nhiều khả năng chỉ giải quyết được phần nào một số vấn đề quan trọng.

“Mặc dù vậy, hầu hết các ngân hàng sẽ công bố tỷ lệ nợ xấu sau xử lý dưới 3% vào cuối năm nay. Bằng cách này hay cách khác. Dĩ nhiên việc hoán đổi nợ xấu với trái phiếu VAMC sẽ đóng vai trò quan trọng”, CTCK TP.HCM (HSC) bình luận.

Trên thực tế, các ngân hàng đang chịu áp lực kiểm soát tỷ lệ nợ xấu về mức thấp hơn 3% đến cuối quý III. Áp lực này còn nặng nề hơn khi Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã phát đi thông điệp khá mạnh mẽ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành ngân hàng vừa diễn ra mới đây.

Theo Thống đốc, việc xử lý nợ xấu sẽ gắn với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nếu TCTD nào có mong muốn mở thêm room tăng trưởng tín dụng thì phải tích cực trích lập dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC.

“Những TCTD nào tích cực trong xử lý nợ xấu thì khả năng được tăng trưởng tín dụng mới mới hiện hữu, những TCTD nào không tích cực thì tăng trưởng tín dụng mới sẽ hạn chế”, Thống đốc nhấn mạnh.

Với thông điệp này, các ngân hàng lo “vắt chân lên cổ” để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, từ phía VAMC, việc mua nợ xấu có vẻ không cần phải vội vàng do nợ xấu mua về vẫn chưa xử lý được nhiều. 6 tháng, VAMC mới thu hồi được khoảng 4.000 tỷ đồng nợ xấu, một con số quá nhỏ so với 42.000 tỷ đồng đã được mua trong cùng thời gian.

Về vấn đề này, ông Lịch cũng cho rằng hoạt động của VAMC trong thời gian vừa qua đã thực hiện được tốt nhiệm vụ của mình. “Tuy nhiên, việc xử lý khối tài sản đã mua và sẽ mua đang là thách thức lớn đối với VAMC mà khó khăn lớn nhất là do cơ chế xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc. Nhưng dù sao VAMC cũng là một sự lựa chọn tốt nhất trong bối cảnh nguồn lực tài chính xử lý nợ xấu còn hạn chế và không được sử dụng ngân sách”, ông Lịch bình luận.

Ông Lịch cho rằng để xử lý dứt điểm nợ xấu cần thời gian và sự hoàn thiện cơ chế pháp lý cho hoạt động của VAMC, hình thành cơ chế cho thị trường mua bán nợ…

Cùng quan điểm trên, ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định từ khi đi vào hoạt động đến nay, VAMC đã tích cực mua nợ xấu của ngân hàng. Nhưng ông Sanjay cho rằng tốc độ mua nợ cần được đẩy nhanh hơn nữa.

“Các ngân hàng có thêm thời gian để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu được bán cho VAMC, trong khi đó vẫn còn nhiều vướng mắc pháp lý quan trọng cản trở việc chuyển giao quyền sở hữu khoản vay và tài sản thế chấp. Điều này gây cản trở quá trình xử lý nợ xấu”, ông Sanjay bình luận.

Theo ông Sanjay, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, VAMC cần có thẩm quyền lớn hơn trong việc xử lý tài sản đảm bảo và cần giải quyết những trở ngại pháp lý trong việc xử lý tài sản đảm bảo trên thị trường mua bán nợ xấu.

“VAMC cũng cần có nguồn lực lớn hơn, cả về tài chính và nhân lực, để xử lý nợ xấu trên thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường này cần có đủ người mua và người bán để có thể hoạt động được và có thể cần có cả sự tham gia và kinh nghiệm của các đối tác nước ngoài”, ông Sanjay phân tích.

Trần Giang (BizLIVE)