Xót xa hương lệ
Trong quyển hương lệ làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) do chánh tổng, lý trưởng cùng các dòng họ lập năm 1929, bổ sung năm 1936 có những quy định rất nghiêm.
Người làng trồng một búi tre lên cây chặt về làm nhà thì không phải xin phép nhưng khi mới lên măng mà đã bẻ sẽ bị phạt.
Người làng chỉ được xây nhà trong diện tích đất trước bạ (bìa đỏ) của gia đình, phạm vào đất công là lính lệ, trương tuần đến phá dỡ, xử phạt.
Nhà xây ở gần đình không được cao hơn đình. Thời đó người biết chữ trong làng rất ít nhưng tất thảy đều răm rắp chấp hành.
Những năm đầu thế kỷ 20, dân Cự Đà đã biết đi làm ăn buôn bán tứ xứ thậm chí sang cả Pháp định cư. Việt kiều về quê đặt cả máy phát điện giúp cho Cự Đà trở thành làng đầu tiên ở miền Bắc có điện thắp sáng choang, có quạt máy chạy vù vù, có máy hát tình tang.
Ngay từ thời ấy, làng đã được đánh số nhà. Những ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp hay lấn chiếm công thổ đều không được gắn số.
Năm 1929, một cột cờ được dựng lên làm cọc tiêu cho thuyền bè qua lại trên sông Nhuệ biết chỗ để thả neo. Tàu thuyền qua lại tấp nập, hàng hóa từ Cự Đà “chảy” đi khắp miền Bắc qua hệ thống sông lớn, sông nhỏ.
Thế rồi cái làng quê quy củ, phồn vinh và đẹp tự cổ tích ấy dần biến mất!
Còn đâu nét Việt?
Trước Pháp về đóng bốt, phá nhà nhưng cũng không hủy hoại nhiều như chính những đứa con của làng ngày hôm nay.
Xã Cự Khê có ba làng là Cự Đà, Khúc Thủy và Khê Tang thì Cự Đà còn khoảng 50, Khúc Thủy còn khoảng 20 ngôi nhà cổ. T
heo ông Đặng Anh Phương, Phó Chủ tịch xã, nguyên nhân của sự phá hoại này là bởi kinh tế phát triển, đất đai đắt đỏ, một ngôi nhà cổ mà bốn năm thế hệ sống trong đó sẽ có nhiều bất tiện nên người dân phải tự tìm lối thoát cho mình.
Đập phá tưng bừng
Như dầu gặp lửa, khi có tiền đền bù đất ruộng từ dự án đô thị mới người các làng đua nhau xây nhà. Xóm Thượng của Khê Tang – thôn đầu tiên nhận tiền đền bù cũng là nơi xảy ra cuộc đập phá nhà cũ tưng bừng để gần như xây mới 100%.
Tiếng là huyện có đội thanh tra xây dựng cắm chốt dưới xã một người, xã cũng có cán bộ địa chính xây dựng nhưng quy định hiện tại chỉ cấp phép xây dựng ở khu đất giãn dân, đất đấu giá với điều kiện không được xây cao quá 7 tầng, còn trong làng lại bỏ ngỏ.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Trưởng thôn Thượng, thống kê thôn có 385 hộ, 1.450 khẩu thì 99% đập nhà làm lại, 95% xây nhà từ 3 tầng trở lên.
Một góc thôn Thượng
Không có ai quản lý hình thái kiến trúc, bây giờ làng trở nên chắp vá, méo mó đến dị hợm. Nhà Pháp, nhà Nhật, nhà Thái, nhà Ả Rập, nhà Trung Quốc, nhà chia lô, nhà biệt thự, nhà mái ngói, nhà mái tôn…
Có những ngôi nhà hội tụ đủ thứ kiến trúc pha tạp ấy một cách đầy trọc phú ngạo ngường.
Một người nông dân ra phố thấy đẹp, giơ điện thoại chụp cóp nhặt của nhà A cái cửa, nhà B cái mái, nhà C cái phòng rồi về bảo cánh thợ xây dựng một cái nhà chia lô ngay trên mảnh đất rất rộng của mình.
Có khoảng 70% nhà trong thôn Thượng là nhà ống. Cái nào cũng kín cổng, cao tường và rất cô lập. Ngoảnh mặt là bốn bức tường, là khung sắt, là dây kẽm gai vây quanh.
Chính trưởng thôn Tuất cũng xây hai cái nhà ống như vậy cho hai người con. Tôi hỏi sống nhà ống có sướng không, anh cười buồn: “Xưa ăn đong, ăn vay còn sướng hơn. Ngày nay tuy có tiền nhưng cái gì cũng kém, cũng bẩn”.
Trước quanh làng tre thành hàng, thành lũy, tre rợp trời che lúc nắng lửa, tre đan vào nhau bảo vệ người khi bão giông. Trong cơn lốc xây dựng hiện nay, tre thành ra một thứ bị rẻ rúng.
Dân làng ngoài triệt tre còn chặt sạch cả các loại cây cối khác khiến cho lúc mất điện phận người cứ như phận kiến trong đáy chảo, nháo nhào kéo nhau ra cái quán Đống gần nghĩa địa thôn – nơi còn sót vài cây to để hóng mát.
Quay trở lại làng cổ Cự Đà nơi trước đây có 80% nhà truyền thống Bắc Bộ kiểu năm gian hoặc ba gian vì kèo gỗ, lợp ngói còn 20% nhà theo kiến trúc Pháp.
Ngôi làng cực đẹp này nằm bên dòng Nhuệ giang hiền hòa với đôi bờ là mướt mát những rặng cổ thụ vài trăm tuổi, thân to hai ba người ôm soi bóng. Mỗi ngõ làng có một bến nước, tổng cộng có 13 cái cả thảy.
Các bến với 19 hay 21 bậc đá xanh nguyên khối từng sớm chiều trai thanh, gái lịch ra gánh nước, tiếng thùng xô va vào nhau lách cách vui như tiếng trẻ nô đùa.
Rặng cây đôi bờ giờ chết vì không chịu nổi nước ô nhiễm. Những cái bến giờ bồi lấp dưới muôn lớp bùn đen chẳng ai thèm bới lên vì sợ mùi.
Chỗ bóng cây duy nhất ở làng
Dòng sông từng được thi sĩ Hoài Yên tả: “Sông Nhuệ chiều như thơ mộng hơn/Trời in đáy nước lộng hoàng hôn” trở thành một cái cống bể phốt khổng lồ của thành phố Hà Nội.
Những con đường làng lát gạch nghiêng dù không to nhưng mộc mạc dịu dàng đã bị trùm kín bê tông. Dăm chục cái ao làng cũng bị lấp gần hết.
“Con người mỗi lúc một sinh sôi mà đất lại không sinh thêm. 20 năm nay không có một đợt cấp đất giãn dân, giãn nghĩa trang nào nên làng rất chật chội.
Con cháu lớn lên lấp ao, lấp vườn, phá nhà cổ vừa để có chỗ ở vừa đỡ tiền trùng tu. Sửa sang một nếp nhà cổ giờ cũng phải vài ba trăm triệu nên người ta xót”, ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng thôn Cự Đà, bảo tôi như thế.
“Chuyện xây dựng, chuyện kiến trúc ở nông thôn không phải như một cuộc cờ để có thể một chốc lát xóa đi đánh lại. Đi sai một nước cờ là cả trăm năm sau con cháu còn uất hận”.
Nhà ông Tuấn có độc thằng con trai lại kinh tế khá giả nên mới đủ bản lĩnh bỏ ra tiền tỉ để làm một nếp nhà gỗ mít rộng 150m2 theo đúng lối cũ chứ người làng mấy ai còn nặng lòng?
Có nhiều tiền họ xây biệt thự, có ít tiền họ xây nhà ống còn thiết kế thì kẻ mua, người xin hay tự nghĩ. Những ngôi nhà bê tông cao vút mọc san sát bên những ngôi nhà mái ngói thâm nâu. Nhà tiền tỉ, thậm chí nhiều tỉ cũng đua nhau ra đời mà điển hình như nhà anh Đinh Khắc Cường xây 4 tầng trên 800m2 sàn tốn 3,5 tỉ.
Ngôi nhà lớn nhất nhì làng của anh Cường
Căn nhà cao đến nỗi tưởng như xẻ đôi cả đường chân trời. Căn nhà to đến nỗi một đám cưới dăm bảy chục mâm tổ chức bên trong với đầy đủ xe cộ, bàn ghế mà người ngoài nhìn vào vẫn chẳng biết nhà có đại tiệc.
Chủ nhân của ngôi nhà đồ sộ ấy kể hồi đền bù khu đô thị mới Thanh Hà, cầm trong tay trên 2 tỉ anh vay mượn thêm nữa để xây một căn nhà để đời. Chỉ tính riêng tầng 3, tầng 4 đã có 14 phòng, chưa kể tầng 2, tầng 1 được làm sẵn đón nhu cầu văn phòng khi thành phố mở rộng.
Thế mà kỳ lạ thay, làm xong ngôi nhà khổng lồ ấy vợ chồng anh chẳng ở mà chỉ thích ở cái nhà cũ bên cạnh, nhường cho vợ chồng người con. Ngày chúng đi làm toàn khóa trái cửa. Cả khối bê tông cứ sừng sững giữa trời đất, phủ cái bóng to lớn bao trùm những ngôi nhà ngói xép nép dưới chân.