Cụ thể, 3 mặt nhà giáp với các hộ không vấn đề gì, riêng chỉ có 1 phía giáp ranh với nhà ông H. Ranh giới phân chia đất hai nhà chúng tôi là một bờ bao cạnh cái ao của nhà tôi. Nay tôi lấp ao đó để xây nhà.

Vừa rồi phía nhà ông H. nói không đồng ý nếu nhà tôi động thổ xây sát nhà ông ấy vì lo có lực mạnh làm nứt nhà. Sau đó tôi cũng qua xin được thông cảm vì tình thế bắt buộc và hứa sẽ khảo sát, cố gắng đảm bảo an toàn mọi thứ nhưng ông H. vẫn không đồng ý.

Vậy xin hỏi trường hợp này tôi phải làm gì. Ông H. có quyền cản tôi xây nhà không? Xin cám ơn.

nguyennam@…

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Theo quy định tại Điều 265 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản như sau: Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp.

Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác.

Trong trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung; không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách.

Theo đó, tại Điều 266 của Bộ luật này cũng quy định về quyền sở hữu đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản như sau:

Chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những người sử dụng đất liền kề có thể thoả thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của những người đó.

Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

Trong trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình.

Thông tư 10/2014/TT-BXD về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ, Điều 10. Giải quyết tranh chấp giữa chủ nhà với chủ các công trình liền kề, lân cận

1. Trước khi thi công, chủ nhà chủ động liên hệ với các chủ công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có).

2. Trong quá trình thi công nếu phát hiện công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sụp đổ do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở gây ra, chủ nhà phải phối hợp với các chủ công trình liền kề, lân cận xem xét, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục. Trường hợp các bên không thống nhất thì tranh chấp phát sinh giữa chủ nhà với chủ các công trình liền kề, lân cận được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trước khi tiến hành xây dựng (sau khi đã có giấy phép xây dựng) bạn cùng với nhà thầu thi công nên mời UBND phường giúp tiến hành khảo sát, chụp ảnh, quay phim chi tiết ghi nhận hiện trạng nhà bên cạnh.Việc này làm cơ sở cho việc xác định mức độ thiệt hại có thể có trong quá trình thi công.

Để đảm bảo an toàn cho công trình lân cận trong quá trình thi công, bạn phải thuê đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công có đủ năng lực để thực hiện.

 

CafeLand kết hợp Công ty luật TNHH Đức An