Căn nhà 32, Huỳnh Đình Hai cũng chẳng có gì khác biệt nhưng là nơi ở của một con người đặc biệt: Giáo sư Trần Văn Khê.

Một góc căn nhà số 32 của GS Trần Văn Khê

Căn nhà ấy rộng rãi với một sân nền gạch tàu. Hai chậu hoa thiên tuế trước bàn thiêng, bên trái hông nhà, một hàng trúc liêu xiêu mát mẻ với tiếng chim ẩn dật gần xa. Giữa phố xá chật chội, vào căn nhà 32, bất kỳ ai cũng đều một cảm giác của thời thơ ấu quen thuộc ùa về.

Đó có thể là những mảnh hồn tuổi thơ còn xót lại trên triền con sông hiền hòa, cũng có thể là một góc của ngôi nhà chốn thôn quê vẫn thường mát rượi với bóng trúc vi vu.

Nhưng điều làm nên giá trị của căn nhà lại chính là phòng khách. Căn nhà rộng khoảng 100m2, màu trắng.

Từ ngoài cửa chính đi vào, bên góc trái là hai cây đàn tỳ bà sắp đặt ngay ngắn trên tường. Bên góc phải, một bộ bàn ghế tiếp khác. Phía sau bộ bàn ghế là một chiếc đàn dương cầm, một tượng phật, một số hình ảnh giáo sư Trần Văn Khê trưng bày trên tường.

Căn phòng ấy giản dị đến mức người ta khó lòng nhận ra sự tinh diệu hay tinh tế của vị chủ nhà nổi tiếng. Thế nhưng, từ chính căn phòng này, nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế đã ghé thăm.

Người ta cũng có thể nhìn thấy khung cảnh này với những thước phim phỏng vấn giáo sư. Nhưng ít ai để ý đến góc cùng bên trái có một kệ sách. Những quyển sách to, dày được xếp ngay ngắn. Phải chăng chúng quá quý giá để giáo sư muốn giới thiệu cho tất cả mọi người?

Đúng như vậy.

Những quyển sách ấy quý và đắt, theo lời giáo sư Khê. Bởi đó là những bộ từ điển nổi tiếng thế giới, trong đó nêu tên những người có cống hiến cho nền âm nhạc nhân loại. Trong những bộ từ điển ấy, vần T đều có tên “Tran Van Khe” cùng tóm tắt, tiểu sử, các công trình nghiên cứu khoa học về âm nhạc và sự nghiệp của giáo sư.

GS Trần Văn Khê vào tháng 11/2014

Trong một đoạn phóng sự truyền hình về giáo sư Khê từ chính căn nhà này, tôi đã bắt đầu bằng bản nhạc Long Hổ hội làm nền cho câu bình: “Rằm tháng sáu năm Tân Dậu 1921, cậu cả nhà ông Bảy Triều (Trần Quang Triều) và bà Nguyễn Thị Dành ra đời. Cậu cả ấy sau này, chính là giáo sư Trần Văn Khê. Tiếng đờn độc huyền, tỳ bà, nguyệt… với những bài Lưu Thủy, Kim Tiền, Long Hổ Hội… song hành cùng ông từ thưở thiếu thời”.

Những tiếng đàn ấy không song hành cùng ông. Có lẽ tôi đã sai. Bởi ông và tiếng nhạc dường như là một. Trong căn nhà 32 đường Huỳnh Đình Hai này, từ khi giáo sư về tiếng đàn ấy vẫn sẽ ngân nga réo rắt khi giáo sư muốn trải lòng.

Thế mà, một buổi sáng, tin giáo sư Trần Văn Khê ra đi, mang theo bao tiếc nuối, ngậm ngùi. Từ đây, căn nhà số 32 này sẽ mang tên nhà giáo sư Trần Văn Khê. Những trước tác, công trình nghiên cứu về âm nhạc sẽ được lưu giữ nơi này.

Vẫn một không gian, vẫn tiếng chim ríu rít ngoài khóm trúc hông nhà, vẫn căn nhà ấm cúng nhưng trên tường chỉ còn lại hình ảnh một ông lão cười mỉm hiền từ nhìn mọi người, mỗi khi họ đến chơi.

Chỉ có điều, ông thì cười mà khách thì thút thít ngậm ngùi…

Căn nhà bỗng chốc xa xăm, thăm thẳm trên con đường nhỏ ngoằn ngoèo, không dài…

Nam Dương