- ▧Home » Tin Tức BDS » Tranh chấp chung cư khiến khách mua nhà chùn tay
Tranh chấp chung cư khiến khách mua nhà chùn tay
Sự cố ngân hàng dọa siết nợ chung cư Harmona cùng với việc dân chung cư Bảy Hiền Tower phải di dời khỏi công trình sai phép đang khiến cho thị trường địa ốc tại TP HCM đứng trước thách thức không hề nhỏ là khủng hoảng niềm tin.
Sự cố ồn ào từ chung cư Harmona và Bảy Hiền Tower (đều thuộc địa bàn quận Tân Bình) trong 2 tháng qua đã khiến cộng đồng khách hàng mua nhà chung cư, giới đầu tư căn hộ bức xúc lẫn hoang mang. Điều gây quan ngại cho thị trường là đây không phải 2 trường hợp cá biệt vì trước đó đã có khá nhiều dự án vướng hàng loạt sai phạm.
Anh Tuân, một nhà đầu tư chuyên buôn và môi giới chung cư tại TP HCM chia sẻ: “Chưa bao giờ áp lực cho thị trường chung cư lại lớn như hiện nay. Một tháng qua, khách hàng của tôi liên tục hoài nghi căn nhà họ đã và đang mua có pháp lý ổn không, có bị đem đi thế chấp hay không và bao giờ có sổ hồng”.
Anh Tuân cho hay, những băn khoăn, lo ngại này bình thường vẫn xuất hiện nhưng kể từ khi sự cố chung cư Harmona bị cầm nhà 2 lần và Bảy Hiền Tower xây sai phép, các giao dịch mất nhiều tuần liền mới đi đến thành công. Nhà đầu tư này giải thích, hiện nay để củng cố niềm tin cho khách hàng và chốt giao dịch phải qua rất nhiều khâu trình bày các thủ tục pháp lý cũng như cam kết bằng văn bản. Điều này cũng làm chậm quá trình mua bán.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản đã triển khai được 5 dự án tại khu Nam TP HCM, Tân Bình, Tân Phú tiết lộ: “Khi vụ Harmona và chung cư Bảy Hiền nổ ra, chúng tôi còn nhận án oan từ một số nhóm khách hàng cho rằng dự án xây dựng không phép. Chúng tôi phải xuất trình các chứng từ pháp lý thì khách hàng mới giảm bớt lo âu”.
Quý II/2016, chung cư Harmona từng khiến thị trường địa ốc chịu tiếng xấu vì chủ đầu tư cầm cố dự án mà chưa giải chấp, khi ngân hàng dọa siết nợ cư dân hoang mang lo mất nhà. |
Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP HCM nhận xét: “Chưa bao giờ người mua nhà chịu nhiều rủi ro, có thể mất nhà bất cứ lúc nào như hiện nay”.
Ông Tín phân tích, dự án chung cư The Harmona dấy lên một thông tin, dấu hiệu cho chúng ta thấy một dự án thế chấp đến 3 lần. Chủ đầu tư thế chấp, sau đó lại thế chấp bảo lãnh cho một công ty khác, lần thứ 3 là cho khách hàng đem thế chấp chính căn hộ đó. Điều này gây rủi ro cho khách hàng và cả thị trường.
Rủi ro thứ 2 như dự án Bảy Hiền Tower mặc dù chưa nghiệm thu nhưng vẫn đưa dân vào ở. Dự án chưa hoàn thiện nhưng làm sao vào ở được để rồi cơ quan chức năng phải cúp điện, nước… để xử lý sai phạm. Hay như chung cư The Rubyland ngân hàng đã phát mãi tài sản thế chấp. Hệ thống pháp luật có vẻ đầy đủ nhưng lỗ hổng từ phía chủ đầu tư, ngân hàng dẫn đến khách hàng phải chịu thiệt thòi.
Giữa tháng 6, tại hội thảo Bảo vệ quyền lợi người mua nhà do báo Thanh Niên tổ chức, ông Ngô Đình Quang Vũ, một người dân đã cướp diễn đàn để bày tỏ bức xúc khi mua dự án Sài Gòn Mới tại huyện Nhà Bè 5 năm chưa có sổ đỏ. Ông Vũ cho hay, các doanh nghiệp bất động sản luôn đưa ra những điều khoản có lợi cho họ. Mua nhà riêng lẻ, nhà phố không bị lừa đảo vì hai bên ra công chứng, còn mua dự án thì rất dễ bị lừa.
Ông Vũ chất vấn: “Nhà nước quản lý thế nào? Khi vụ việc đổ bể thì mới phát hiện ra một căn nhà bán cho nhiều người. Người dân sẽ kiện ai? Mua căn hộ làm sao biết chủ đầu tư thế chấp mấy lần, làm sao quản lý được tiến độ dự án, khi nào có sổ đỏ”.
Chung cư Bảy Hiền xây dựng sai phép, chủ đầu tư không có thiện chí khắc phục mà vẫn đưa dân vào ở khiến cơ quan chức năng phải cắt điện nước, di dời dân ra khỏi công trình trong tháng 6/2016. |
Trong báo cáo về tình hình thị trường bất động sản TP HCM nửa đầu năm 2016, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoRea) đánh giá tranh chấp trong chung cư tại TP HCM vẫn còn diễn biến phức tạp.
Hai trường hợp chủ đầu tư dự án đã không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, chưa đảm bảo đủ điều kiện đưa nhà chung cư vào sử dụng đã cho khách hàng vào ở và chưa thực hiện đúng các quy định về thế chấp, giải chấp và bán nhà cho khách hàng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Hai điểm tối này đã góp phần khiến cho thị trường nhà ở tại TP HCM nửa đầu năm 2016 xuất hiện dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, Steven Chu cho biết, việc một số nhà phát triển bất động sản không thực hiện được những cam kết với khách hàng (về pháp lý và tiến độ bàn giao) tại TP HCM xảy ra gần đây đã gây ảnh hưởng cho cả thị trường. Nguyên nhân là các quy định pháp luật về bất động sản còn nhiều kẽ hở.
Tuy nhiên, theo ông Steven Chu, các dự án xảy ra sự cố vừa qua có điểm chung là đều do những chủ đầu tư quy mô nhỏ, ít tên tuổi thực hiện. Trong khi đó, thị trường bất động sản đang có rất nhiều nhà phát triển dự án uy tín, có thâm niên, quy mô đầu tư lớn, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Cách để tránh rủi ro cho người mua nhà dự án, theo ông Steven Chu là khách hàng phải thận trọng chọn mua bất động sản từ các chủ đầu tư có thương hiệu đã được bảo chứng theo thời gian qua các dự án hiện hữu.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, Trần Trọng Tuấn nhận xét, những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng chỉ chiếm số ít trong tổng thể toàn thị trường. Nguyên nhân do năng lực của nhà đầu tư không chuyên nghiệp, thiếu chiến lược, làm ăn chụp giật…
Ông Tuấn cũng thừa nhận năng lực quản lý nhà nước, quy định pháp luật và thực thi pháp luật, khi xây dựng luật còn những điểm mờ, tạo kẽ hở cho vi phạm pháp luật. Về thực thi pháp luật có những lúc chưa nghiêm. Chẳng hạn như Rubyland vi phạm cách nay 10 năm, nếu trước đây cơ quan chức năng xử lý nghiêm thì bây giờ đâu có việc tranh chấp. “Mọi vi phạm đều phải xử lý nghiêm, trách nhiệm của UBND quận, huyện, Sở Xây dựng, Tài nguyên Môi trường sẽ xử lý nghiêm các sai phạm kể cả cán bộ công chức sai phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà”, ông Tuấn cam kết.
Vũ Lê
Danh mục : Tin Tức BDS