Nguồn cung kỷ lục

Theo số liệu nghiên cứu thị trường căn hộ để bán trên địa bàn TP.HCM của Savills Việt Nam vừa mới công bố, trong quý 2/2015, số lượng căn hộ được các chủ đầu tư tung ra thị trường đạt khoảng 9.700 căn, tăng 47% so với quý trước và 138% theo năm. Đây là quý có nguồn cung căn hộ đạt kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây.

Số căn hộ mới nói trên được ghi nhận từ 11 dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của 8 dự án hiện hữu. Theo Savills Việt Nam, trong quý 2/2015 lượng giao dịch căn hộ cao nhất thuộc các dự án tại địa bàn quận 2 chiếm 28% căn hộ đã bán, xếp sau là quận Bình Thạnh với 15% thị phần. Nhưng nhìn tổng quan, tỷ lệ hấp thụ đã giảm 2% so với quý trước (đạt 19%).

Một dự án tại khu Thảo Điền, quận 2 của Tập đoàn Novaland.

Từ giữa quý 2/2015, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực BĐS đã rục rịch chuyển hướng đầu tư đến khu vực phía Đông thành phố. Có thể kể đến dự án Sala (Đại Quang Minh), Vinhome (Vingroup), The Sun Avenue, Lucky Dragon (Novaland), Mega Village (Khang Điền)… 

Ông Phan Thành Huy – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết mục tiêu của công ty là đến năm 2016 sẽ xây dựng được 5.000 căn nhà ở cho người dân trong nước.

Việc các chủ đầu tư BĐS có chiến lược “xoay trục” sang địa bàn phía Đông thành phố là điều dễ hiểu bởi quỹ đất khu nội thành ngày càng hạn hẹp, trong khi đó các công trình hạ tầng kết nối giao thông như tuyến đường cao tốc TP.HCM – Dầu Giây – Long Thành, đường sắt đô thị Bến Thành – Suối tiên, các tuyến đường vành đai… đã và đang dần hoàn thiện đưa vào sử dụng trong tương lai không xa.

Dù nguồn cung đạt con số đáng kể như nói trên nhưng theo Savills Việt Nam dự kiến, từ thời điểm này đến năm 2017 thị trường sẽ tiếp tục đón nhận thêm khoảng gần 60.000 căn hộ mới từ 90 dự án hiện hữu và các dự án rục rịch chuẩn bị xây dựng. Khu vực có nguồn cung trọng điểm là địa bàn quận 9.

“Bong bóng” BĐS liệu có lập lại?

Không thể phủ nhận nhiều chính sách mới của Nhà nước được bổ sung trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015) đang mang đến một luồng gió mới cho thị trường BĐS thời kỳ hậu khủng hoảng.

Bên cạnh nhiều cơ chế hướng tới bảo vệ tối đa quyền lợi cho khách hàng, cuộc đua hạ lãi suất cho vay và phương thức thanh toán linh hoạt của các ngân hàng đã tạo tâm lý an tâm hơn cho người mua nhà có nhu cầu thực với loại hình căn hộ, nhà ở hình thành trong tương lai.

Thế nhưng, điều những người có nhu cầu mua căn hộ để ở tại khu vực phía Đông TP.HCM lo ngại là tình trạng đầu cơ đang diễn ra ở một số dự án có vị trí đẹp.

Chị Phạm Lan Hương (ngụ quận 3) có nhu cầu mua căn hộ ba phòng ngủ. Dự án mà chị nhắm tới là Masteri Thảo Điền ở quận 2 do Công ty Thảo Điền làm chủ đầu tư. Sau nhiều lần liên hệ với công ty nhưng vẫn không có hàng, chị Hương đành mua lại căn hộ của người khác với giá 3,35 tỷ đồng ở tầng 22.Thế nhưng chị Hương đền chậm so với lịch hẹn một ngày thì cũng không còn.  

“Với giá 3,35 tỷ đồng thì người bán đã “bỏ túi” khoảng 250 triệu đồng. Không ngờ căn hộ cao cấp mà dễ bán như vậy, trong đợt mở bán block cuối cùng của dự án này đã có nhiều người đặt mua, thậm chí phải bốc thăm”, chị Hương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc bộ phận tư vấn Savills Việt Nam đánh giá việc nguồn cung căn hộ đổ ra thị trường tăng nhưng khó có khả năng lập lại tình trạng “bong bóng” BĐS như gần chục năm trước. Bởi chủ đầu tư đã tập trung đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng như diện tích căn hộ phù hợp, mức giá phải chăng, hạ tầng giao thông thuận lợi.

 

Phương Anh Linh (Infonet)