Lại thêm một khu đất đẹp rộng khoảng 2.000 m2 bên bờ tả sông Sài Gòn (thuộc phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) biến mất do sạt lở. Vụ sạt lở xảy ra vào tối 1-7 đặt ra câu hỏi: Sẽ còn bao nhiêu diện tích đất ven sông, kênh rạch ở TP.HCM biến mất với lý do tương tự?

Cù lao ngày càng “teo tóp”

Khu Quản lý đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT TP) cho biết hiện trên bờ tả sông Sài Gòn thuộc địa bàn quận Thủ Đức có năm vị trí có nguy cơ sạt lở cao. Tổng diện tích đất có thể bị sạt xuống sông lên đến 8.000 m2. Tuy nhiên, Thủ Đức chưa phải là địa phương bị mất đất nhiều nhất do sạt lở.

Có 22 km đất tiếp giáp với sông lớn, trong nhiều năm qua quận 9 luôn là điểm nóng về sạt lở của TP. Bà Trần Thị Thu Hoài, Phó phòng TN&MT quận 9, cho biết chỉ tính trên địa bàn hai phường Long Phước và Long Bình, từ năm 2003 đến nay đã có hơn 40 ha đất biến mất do sạt lở. Trong đó, riêng cù lao Long Phước đã có hơn 32 ha đất sạt xuống sông.

Từ đầu tháng 6 đến nay tại cù lao Dừa (hay còn gọi là nông trường Dừa) cũng bắt đầu xảy ra sạt lở, nghi do khai thác cát trái phép. “Các ghe khai thác cát hoạt động vào ban đêm. Họ đậu ghe ở xa rồi thả ống hút xuống sông để hút cát. Khi ghe rút đi thì một thời gian ngắn sau bờ sông cứ sụp xuống dần. Chỗ bị sạt vô ít nhất là 10 m chiều ngang, dài cũng mấy chục mét” – anh Trần Thanh Hảo, bảo vệ của một đơn vị có đất bị sạt lở tại cù lao Dừa, phản ánh.

Theo bà Hoài, các khu đất bị sạt lở trên địa bàn quận 9 thường là đất người dân mua để dành, chưa xây dựng công trình kiên cố nên cũng chưa xây kè chống sạt lở. “Có nhiều nguyên nhân gây sạt lở. Trong đó khai thác cát trái phép được xác định là một trong những nguyên nhân quan trọng” – bà Hoài nhấn mạnh.

Ông Trương Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch – Đầu tư, Khu Quản lý đường thủy nội địa TP nhận xét: Hiện tình trạng sạt lở ở cù lao Mũi Đèn Đỏ (quận 7), cù lao Tắc Sông Chà (huyện Cần Giờ) cũng rất nghiêm trọng. “Tuy chưa có số liệu thống kê diện tích đất sạt lở tại những cù lao này nhưng khi đi kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy diện tích bị sạt lở là rất lớn. Như Mũi Đèn Đỏ nước ăn vào rất sâu, có nơi bề ngang chỉ còn hơn chục mét” – ông Tuấn nói.

Khu đất ven sông Sài Gòn bị sạt xuống sông vào tối 1-7. Ảnh: Minh Thanh

Chưa có nghiên cứu tổng thể

Theo Sở GTVT TP, hiện toàn TP có 38 vị trí bờ sông có nguy cơ sạt lở cao, nhiều nhất là huyện Nhà Bè với 15 điểm, tiếp đến là quận Thủ Đức, Bình Thạnh… Tổng diện tích có nguy cơ sạt lở lên đến hàng trăm ngàn mét vuông. Tuy nhiên, phần diện tích cụ thể đã sạt lở trong thời gian qua thì chưa có đơn vị nào thống kê đầy đủ.

“Trong thời gian qua, các công trình chống sạt lở thường ưu tiên thực hiện trước ở những khu vực đông dân cư sinh sống. Còn tình trạng sạt lở ven sông lớn, sạt lở cù lao dù mất rất nhiều đất nhưng chưa được quan tâm nhiều nên số liệu thống kê cũng chưa đầy đủ” – ông Ngô Quang Mãnh, nguyên Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa TP, nhìn nhận.

Ông Mãnh đề nghị: Trước tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng TP nên thực hiện nghiên cứu, đánh giá mức độ sạt lở trên diện rộng để đưa ra biện pháp ngăn chặn hiệu quả. “Các cù lao, dãy đất ven sông đều là những nơi có vị thế đẹp, có giá trị tiềm năng. Nếu không có phương án bảo vệ kịp thời thì rất uổng phí” – ông Mãnh bày tỏ.

Cùng quan điểm, TS Đinh Công Sản, chuyên gia trong lĩnh vực chống sạt lở, cũng cho rằng cần phải có nghiên cứu trên diện rộng thì mới thấy hết được những thiệt hại do sạt lở gây ra. “Nếu không nghiên cứu tổng thể, đôi khi làm công trình chống sạt lở ở chỗ này lại có thể gây sạt lở ở chỗ khác” – ông Sản giải thích.

Ông Sản cho biết thêm: “Mấy năm trước tôi đã đề xuất Sở GTVT TP thực hiện nghiên cứu tổng thể về tình trạng sạt lở ở TP.HCM. Mục đích nghiên cứu nhằm đánh giá các nguyên nhân gây ra sạt lở như khai thác cát, xây dựng lấn chiếm, giao thông thủy… Từ đó sẽ đưa ra giải pháp chỉnh trị dòng sông, hạn chế sạt lở. Thế nhưng đề xuất này chưa được chấp thuận”.

Trung Thanh (Pháp luật TP.HCM)