Năm 2004, KCN Hưng Phú 1 được thành lập với diện tích 282ha do Công ty Phát triển hạ tầng KCN Cần Thơ làm chủ đầu tư (CĐT). Tuy nhiên, sau bốn năm thực hiện, đến năm 2008, CĐT này chỉ giải tỏa được hơn 21ha; sau đó chuyển giao toàn bộ dự án cho Công ty CP KCN Sài Gòn – Cần Thơ. Từ đó đến nay, CĐT vừa kể chỉ thương lượng bồi thường đất đai, hoa màu được gần 30ha nhưng không liền mảnh, tiến độ xây dựng ì ạch. Vì thế, đầu năm 2015, TP Cần Thơ thu hồi 110ha của KCN này giao cho nhà đầu tư (NĐT) khác.

Cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch KCN Hưng Phú 2A (rộng 134ha, do Công ty CP ÐT – TM Xây lắp BMC – Bộ Công Thương, làm CĐT), KCN Hưng Phú 2B (hơn 62ha, do Công ty Phát triển hạ tầng KCN Cần Thơ, làm CĐT) cũng đang gặp khó khăn.

Nguyên nhân được xác định là do các KCN kể trên tuy được quy hoạch và triển khai thực hiện từ 7 đến hơn 10 năm nay nhưng đến giờ chỉ một phần nhỏ diện tích được các CĐT giải tỏa, bồi thường cho người dân, còn lại phần lớn mặt bằng bỏ hoang. Hàng trăm hộ dân nằm trong quy hoạch bị ảnh hưởng vì phải sống trong tình trạng quy hoạch… treo nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Thiệp (khu vực Thạnh Hưng, phường Phú Thứ), người có hơn 5.000m² nằm trong quy hoạch KCN Hưng Phú 2B cho biết: “Chủ đầu tư đã hẹn nhiều lần vào kiểm kê đất đai, hoa màu để bồi thường, nhưng đợi mãi không thấy đâu. Do nằm trong quy hoạch, nên nhà cửa xuống cấp cũng không được sửa, đất đai không thể canh tác do không có nguồn nước vì kênh rạch bị san lấp”.

Cũng có 3.000m² đất bị “dính” vào quy hoạch KCN Hưng Phú, ông Nguyễn Hoàng Hưng, 59 tuổi, đã sống lay lắt nhiều năm qua bằng công việc trồng cải.

Việc trồng tỉa cũng không còn đơn giản như trước đây do nhiều kênh rạch bị san lấp, mùa mưa thì nước không thoát, mùa khô thì không có nước để tưới. Cạnh nơi họ đang trồng tỉa là đất đã được thu hồi nhưng chưa có nhà đầu tư đến thuê nên cỏ sậy mọc um tùm, là nơi trú ngụ lý tưởng của chim, chuột… khiến việc canh giữ của người dân càng vất vã. “Cực vẫn phải làm nếu không muốn cả nhà 6 miệng ăn chết đói” – ông Hưng cho biết.


Nông dân trong vùng quy hoạch KCN Hưng Phú phải mượn lại đất của mình để trồng hoa màu.

Ông Nguyễn Thành Phú, cán bộ địa chính phường Phú Thứ (phường có diện tích tự nhiên lớn nhất của quận Cái Răng và bị vướng quy hoạch Khu đô thị Nam Cần Thơ và các KCN Hưng Phú) xác nhận hiện địa bàn phường có rất nhiều hộ dân  mượn lại đất trong các KCN Hưng để trồng hoa màu còn diện tích lên đến vài chục hécta.

Người dân trong vùng quy hoạch các KCN Hưng Phú, khổ trăm bề khi phải sống chung với ô nhiễm nặng nề do cạnh đó là bãi tập kết rác tạm của Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ.

Lãnh đạo địa phương cho biết, quận cũng đã nhiều lần đề xuất TP Cần Thơ thu hồi hoặc điều chỉnh thu hẹp quy mô các KCN, trả lại đất cho người dân nhưng xem ra việc quan tâm xử lý theo hướng này vẫn còn rất chậm.

Còn một nguyên nhân khác chính là cả 3 KCN Hưng Phú đều rơi vào thế kẹt bất hợp lý, nhất là sau khi Cần Thơ trở thành TP trực thuộc TW.

Một chủ đầu tư cho biết: “Vào đây, chúng tôi chẳng được ưu đãi gì trong khi cách đó con sông Hậu là một KCN thuộc tỉnh Vĩnh Long, bước thêm vài bước là KCN thuộc Hậu Giang có quá nhiều ưu đãi, suất đầu tư vừa phải, giá thuê đất vòng đời dự án lại rẻ hơn 2 – 5 lần. Và vào KCN thuộc Vĩnh Long hoặc Hậu Giang cạnh đó, chúng tôi vẫn được thừa hưởng hạ tầng cảng biển, đường giao thông trên bộ thuận lợi”.

Nhiều chuyên gia đề xuất, TP Cần Thơ có thể chuyển hình thức từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đối với hai KCN (do Nhà nước đầu tư) đã lấp đầy là Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 để có tiền đầu tư vào các KCN Hưng Phú.

Các chuyên gia cũng cho rằng Cần Thơ cần điều chỉnh thu hẹp quy mô, lĩnh vực thu hút đầu tư các KCN phù hợp thực tiễn. Sau đó, sử dụng ngân sách hay kêu gọi DN có năng lực tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng cho DN thuê vì phù hợp xu thế của DN trong điều kiện hiện nay. 

Thái Bình (CAND)