Khu dân cư mới làng Ka Bầy – Hơ Moong, tỉnh Gia Lai.

Một trong các bước đột phá của Thông tư 13 là việc hợp nhất 03 nội dung quan trọng nhất của công tác quy hoạch nông thôn là Quy hoạch về dân cư và hạ tầng + Quy hoạch sản xuất + Quy hoạch đất đai. Đây là 03 loại hình quy hoạch vốn trước đây được triển khai độc lập theo hướng dẫn của từng Bộ, ngành, giờ cơ bản đã được tích hợp “3 trong 1” vào trong một đồ án quy hoạch NTM trên địa bàn xã. Điều này giúp cho công tác quy hoạch trên địa bàn xã mang tính đồng bộ, tổng hợp, tránh được các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các ngành và tiện cho địa phương trong quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Việc lập quy hoạch xây dựng “3 trong 1” NTM theo Thông tư liên tịch số 13 là công việc phức tạp, đòi hỏi đơn vị tư vấn và những người tham gia lập quy hoạch phải có năng lực, trình độ, tầm nhìn và sự nghiêm túc, nhiệt huyết trong công việc. Các nội dung thông tư liên tịch 13 hiện nay đang có phần “quá sức” đối với nhiều đơn vị tư vấn vì các yêu cầu chuyên môn khá kỹ, cao và đòi hỏi sự kết hợp đa ngành.

Với nguồn lực hạn chế nhiều tổ chức tư vấn đang lập quy hoạch hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu nội dung thiết kế mới.Yêu cầu nội dung nghiên cứu về quy hoạch sử dụng đất rất chi tiết nhằm đảm bảo tốt cho việc quản lý đất đai, một lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, đòi hỏi thời gian và kinh phí trong công tác điều tra cũng như kiến thức chuyên môn sâu.

Yêu cầu nội dung nghiên cứu về quy hoạch sản xuất cũng khá chi tiết và không “đơn giản” đối với các tư vấn chuyên làm về QHXD. Thực tế việc hoạch định sản xuất hiện nay còn mang tính ngắn hạn, phân bố phân tán và phụ thuộc rất nhiều vào thị trường đầu ra, nên rất khó đạt độ hoàn hảo về chi tiết và thực tiễn với riêng nội dung quy hoạch sản xuất. Thêm vào đó, nội dung nghiên cứu giữa định hướng quy hoạch phát triển không gian tổng thể toàn xã và quy hoạch xây dựng khó phân định và thể hiện rõ ràng mạch lạc, nhất là đối với các tổ chức tư vấn không có kinh nghiệm về QHXD.

Về thẩm định đồ án QHXD NTM theo Thông tư liên tịch số 13 cũng đòi hỏi sự phức tạp hơn trong vận hành. Các Phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng NN&PTNT, phòng TN&MT huyện có trách nhiệm thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn trước khi UBND cấp huyện phê duyệt, còn thiếu sự thống nhất đồng bộ giữa các địa phương trong cả nước.

Qua việc lập QHXD NTM theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT đã chia ra: Việc lập QHXD NTM theo Thông tư liên tịch số 13 sẽ đảm bảo tính thống nhất trong việc lập quy hoạch trên địa bàn xã, giúp cho các xã có được định hướng và quản lý tốt trong xây dựng NTM trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do thực tế năng lực lập QH hiện nay cần hoàn thiện quy trình lập QHXD NTM theo hướng “Lấy quy hoạch xây dựng làm nòng cốt và lồng ghép các nội dung cốt yếu của quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo tính thống nhất về định hướng phát triển không gian xã trong các loại quy hoạch”.

Quy hoạch xây dựng: Thực chất trong quy hoạch xây dựng gồm 2 nội dung. Một là quy hoạch mạng lưới thôn, bản và khu dân cư mới, các điểm trong nội dung này trùng hợp với quy hoạch không gian tổng thể toàn xã. Hai là quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã hoặc khu dân cư cũ và mới, nội dung này tùy tình hình thực tế và nguồn kinh phí tại địa phương có thể triển khai luôn hoặc để giai đoạn sau và cũng có thể làm một trong những nội dung trên hoặc toàn bộ, điều quan trọng là địa phương thấy khu vực nào quan trọng cần xây dựng cải tạo, nâng cấp hay xây dựng mới thì làm trước. Do vậy có thể thực hiện nội dung trong phần quy hoạch không gian tổng thể toàn xã và quy hoạch xây dựng là một và bao gồm hai nội dung như trên.

Quy hoạch sử dụng đất: Việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm chủ yếu dựa vào quy hoạch sử dụng đất đã có của địa phương, còn đối với địa phương nào chưa làm thì tư vấn mất rất nhiều thời gian khảo sát điều tra mà quá trình triển khai lại không sát với tình hình thực tế. Trong quy hoạch sử dụng đất chỉ nên thực hiện phân kỳ theo giai đoạn quy hoạch để từ đó định hướng cho địa phương những phân đoạn công việc cụ thể theo từng giai đoạn.

Quy hoạch sản xuất: Trên thực tế nhiều địa phương đã xác định các vùng sản xuất và chỉ ra khu vực trồng cây, vật nuôi chủ lực. Nhưng trong nhiều trường hợp không thể triển khai được do chưa tiến hành công tác dồn điền đổi thửa, một phần khi giao đất cho người dân khai thác và sử dụng họ không làm theo những gì đã xác định trên các vùng sản xuất. Do vậy trong nội dung quy hoạch sản xuất chỉ định hướng khoanh vùng sản xuất, chỉ ra các loại hình sản xuất thích hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để trên cơ sở đó có những giải pháp về hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Về hiện hồ sơ trong đồ án quy hoạch, xây dựng NTM cần ban hành hướng dẫn ký hiệu cụ thể áp dụng cho cả 3 nội dung trong 1 đồ án, đảm bảo sự thống nhất chung giữa 3 Bộ để triển khai và quản lý quy hoạch xây dựng NTM.

Về kinh phí lập đồ án quy hoạch, đây là vấn đề quan trọng cần phải được ban hành sớm để triển khai đảm bảo thực hiện đúng theo thông tư 13 với ba nhiệm vụ: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất (quy hoạch 3 trong 1) trong một đồ án.

Nông thôn trải rộng trên phạm vi cả nước với các điều kiện khác nhau nhưng hiện chúng ta đang không có hệ số quy hoạch cho từng vùng. Thậm chí, cần phải chi tiết cho từng huyện. Các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên giảm bớt tiêu chí cho phù hợp. Ngoài ra, có một số tiêu chí cần phải điều chỉnh chung do không thực sự phù hợp như về thu nhập, tỉ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, về chợ, tỉ lệ được hưởng bảo hiểm y tế, vấn đề môi trường, quy hoạch nghĩa trang… Tùy từng địa bàn, nếu địa bàn kém phát triển thì các công trình kết cấu hạ tầng chỉ cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản, không thể như những vùng nông thôn phát triển khác. Các công trình kiên cố hóa như kênh mương, đường giao thông phía Nam cũng cần được điều chỉnh.

Về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phân bố không gian các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất phải huy động nguồn lực to lớn mới có thể thực hiện được. Do đó, phải đảm bảo tương đối chuẩn trong quá trình phân bổ không gian, định hướng trong tương lai 5 – 10 năm tới chứ không chỉ phục vụ hiện tại, tránh trường hợp phải làm đi làm lại.

Về nội dung phát triển kinh tế cần linh hoạt hơn vì phát triển kinh tế không hoàn toàn phụ thuộc vào mặt phân bổ không gian mà còn chịu tác động bởi các yếu tố thị trường (các yếu tố biến đổi tương đối nhanh).

KTS Vũ Hồng Sơn

Báo Xây dựng