Câu chuyện nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động được đề cập nhiều nhất tại cuộc họp báo tổng kết 6 tháng của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sáng nay 23/6.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận đây là những diễn biến mới nhưng không phải là một xu hướng phổ biến. “Lãi suất tăng ở kỳ hạn ngắn chủ yếu do một số nhà băng có lợi thế, trước đây đã huy động vốn lãi suất thấp hơn thị trường nay họ tăng lên để đưa lãi suất trở lại mức ngang với các nhà băng khác”, bà Hồng giải thích.
Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định như hiện nay. Ảnh: Anh Quân.
Về băn khoăn lãi suất tăng do Ngân hàng Nhà nước hút mạnh tiền về, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời: “Việc điều tiết lượng thanh khoản hàng ngày, chủ yếu tác động trên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng (thị trường 2). Còn mặt bằng huy động, cho vay phụ thuộc vào giá vốn các tổ chức tín dụng quyết định trên thị trường một”.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng hứa sẽ theo dõi sát những diễn biến về vốn khả dụng của các nhà băng. “Nếu dư thừa, có gây ra áp lực nhất định đến tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ hút tiền về để điều tiết lượng tiền phù hợp mục tiêu điều hành”, bà nói.
Dù thị trường đang cho thấy nhiều ngân hàng tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng mặt bằng lãi suất vẫn tương đối ổn định và giảm so với cuôi năm 2014. “Mặt bằng lãi suất huy động giảm từ 0,2-0,4% một năm, cho vay giảm từ 0,2-0,5%”, bà Hồng thông tin thêm.
Từ nay đến cuối năm, nhà điều hành cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều hành mặt bằng lãi suất theo hướng ổn định như hiện nay.
Một trong những nguyên nhân lãi suất tăng gần đây còn được các chuyên gia lý giải do cầu tín dụng tăng mạnh, đặc biệt là tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, số liệu được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cung cấp tại cuộc họp báo lại cho thấy vốn đổ vào địa ốc năm nay chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ 2014 chứ không quá đột biến. Cụ thể, đến hết tháng 5, tín dụng bất động sản tăng 10,89% (chiếm tỷ trọng 8,3% tổng dư nợ). Trong khi đó, 5 tháng đầu 2014, vốn đổ vào bất động sản chiếm tỷ trọng 7,96%.
Về cơ cấu, Phó thống đốc cho biết tín dụng đổ vào bất động sản chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện nhà ở để bán và cho thuê chứ không rơi vào đầu tư, kinh doanh bất động sản. “Theo tôi, tín dụng bất động sản tăng một chút như này góp phần giảm tồn kho xây dựng, sắt thép, xi măng, sẽ tạo dòng tiền tốt cho nền kinh tế. Tỷ trọng lĩnh vực này cao hơn một chút nhưng không phải là đột biến so với cùng kỳ”, bà Hồng khẳng định.
Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ – Bùi Quốc Dũng cho biết, đến ngày 18/6, tín dụng các nền kinh tế tăng trưởng 6,09%.
Bên cạnh đó, đến giữa tháng 6, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,88%, huy động vốn tăng 4,37% so với cuối năm 2014. Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15%. “Trong trường hợp cần thiết có thể hỗ trợ cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép tín dụng tăng 17%”, ông Dũng nói.
Vẫn giữ mục tiêu cuối năm đưa nợ xấu về dưới 3%, Ngân hàng Nhà nước cho biết toàn ngành đang đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Từ đầu năm đến 15/6, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua 28.194 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, đưa tổng số nợ xấu mua vào từ khi ra đời lên 143.800 tỷ đồng.