Thời gian gần đây, dư luận bất bình trước việc Công ty Dewan Việt Nam được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép đặt tấm biển “cấm xâm phạm” ngay trên bờ biển Nha Trang. 

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch khu vực phía Đông các đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng, thành phố Nha Trang, cả 14 cây số bãi biển Nha Trang nằm trong dự án Phoenix Beach của Công ty TNHH Dewan Việt Nam. Và bãi biển này sẽ đổi tên thành bãi biển Phượng Hoàng, trên dải công viên phía Đông đường Trần Phú sẽ mọc lên nhiều công trình bê tông. 

Sự việc càng thu hút sự quan tâm của dư luận khi biết rằng UBND tỉnh phê duyệt một quy hoạch có tầm ảnh hưởng lớn mà không thông qua Thường vụ Tỉnh ủy. 

Không chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa mà lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung đã và đang lên tiếng về việc thu hồi các dự án ven biển chậm tiến độ. Bởi nhiều năm qua, hàng chục dự án “triệu đô” khởi công rình rang rồi “án binh bất động” mặc cho hàng trăm ha đất ven biển phơi mình trong mưa gió.

Sau khi làn sóng đầu tư đổ xô vào miền Trung lắng xuống cũng là lúc người dân nơi đây không còn đường ra tắm biển. 

Ông Nguyễn Hường và người dân phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn phải đập tường rào dự án để ra biển

Tháng 1/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép cho Tập đoàn Dewan được đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác trên diện tích 240 ha dọc theo 14 cây số đường bờ biển ở trung tâm thành phố Nha Trang trong thời hạn 50 năm.

Theo đó, nơi đây sẽ mọc lên nhiều công trình bê tông trên bờ biển, mặt biển và đi ngầm dưới biển. Trước khi UBND tỉnh Khánh Hòa ký Quyết định phê duyệt quy hoạch, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hội thảo phản biện. 

Tại đây, các nhà khoa học kiến nghị: Không nên xây dựng khách sạn phía Đông đường Trần Phú vì ảnh hưởng đến quyền lợi cộng đồng, không xây công trình ngầm làm ảnh hưởng cảnh quan thiên nhiên. 

Nhiều chuyên gia trên lĩnh vực xây dựng cũng đề nghị giải tỏa hết các resort, nhà hàng án ngữ khu vực ven biển Nha Trang. 

Thật khó hiểu khi hầu hết những lời nói tâm huyết ấy đã không được UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp thu. Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa thì nhiều chuyên gia đã kịch liệt phản đối chủ trương này.

“Cấp giấy chứng nhận cho họ 8-9 tháng rồi chúng tôi bây giờ mới biết cái cụ thể hóa của họ, Hội không biết. Phá môi trường bờ biển lớn quá. Kinh doanh thì họ tìm chỗ nào có điều kiện thuận lợi nhất để khai thác mà chưa nghĩ đến việc lâu dài, bảo tồn vịnh Nha Trang. Họ lên một chương trình nhiều công trình ở dưới đất có, vươn ra ngoài mặt nước có”, ông Lộc cho biết.

Không riêng gì các chuyên gia lên tiếng phản đối tình trạng băm nát bãi biển ở tỉnh Khánh Hòa mà rất nhiều vị lãnh đạo ở các địa phương miền Trung đều cảm thấy có lỗi khi lỡ trao hàng trăm héc ta đất ven biển cho các nhà đầu tư xây tường giữ đất vàng. 

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam khi xin nghỉ hưu trước tuổi vẫn đau đáu món nợ với người dân. Hiện nay, đoạn bờ biển từ An Bàng đến Cửa Đại đã giao đất cho 11 dự án thì một nửa trong số này chậm trễ tiến độ.

Ông Nguyễn Sự trải lòng, bây giờ đi trên đường nhìn ra không thấy biển nữa mà chỉ nhìn thấy resot, tường rào bao quanh: “Đó là sai lầm rất lớn. Nó sai lầm cả vấn đề tự nhiên, ứng xử với tự nhiên một cách hỗn hào. Nó thô bạo trong ứng xử với con người. Một số nơi không còn bãi biển nhân dân. Các dự an, những nhà đầu tư không có lỗi, lỗi là những nhà quản lý, trong đó có tôi chủ tịch là người đứng đầu”

“Có những cái sai không bao giờ sửa được. Chúng ta sống ở biển, tôi sống ở một đô thị có biển, bước chân xuống biển nhưng không hiểu gì về biển cả. Bây giờ cho tôi làm lại thì tôi sẽ không bao giờ cấp bất cứ dự án nào ven biển”, ông Sự nói thêm.

Nằm giữa Hội An và Đà Nẵng, bờ biển thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cũng bị cắt khúc bởi nhiều dự án dang dở. Cái thị xã nhỏ bé này hiện còn hơn 10 dự án du lịch, bất động sản chưa triển khai hoặc chậm tiến độ. Gần đó, khu ven biển bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cũng có nhiều khu đất của dự án bỏ hoang cả chục năm nay. 

Hàng chục dự án bất động sản nằm “bất động” cắt nát bãi biển xinh đẹp Sơn Trà. Có thể kể ra hàng loạt dự án “tiến thoái lưỡng nan” như Sontra Travel của Công ty Cổ phần Sơn Trà; Dự án Sơn Trà Resot của Savico và Công ty Cổ phần đầu tư Sơn Trà; Dự án Bai But Bay Resot của Công ty Cổ phần Hải Duy, thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ thành phố Hồ Chí Minh (Invesco)… 

Trong khi các chủ dự án xí phần giữ đất thì bãi biển công cộng ngày càng bị thu hẹp, người dân và du khách không có đường xuống biển. 

Ông Nguyễn Hường, ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng than thở, muốn xuống tắm biển, người dân phải tìm cách chui rào: “Dự án ni lâu lắm rồi, cũng cỡ 6,7 năm rồi, rào lại rứa không cho dân đi tắm biển, phải đập lỗ chui qua đi tắm biển. Chỉ rào tường rào cản dân thôi chứ ngoài nớ không làm một cái chi hết”.

Nóng vội và thiếu tầm nhìn chiến lược về biển nên nhiều địa phương duyên hải miền Trung phải trả giá đắt. Nhiều bãi biển đẹp bị băm nát bởi những dự án du lịch, bất động sản. Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hàng chục dự án du lịch ven biển “đắp chiếu ngủ yên”; tập trung nhiều nhất ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc. 

Bộ mặt nhếch nhác của một dự án treo ngay sát quảng trường 2 tháng 4 trung tâm TP Nha Trang

Dọc bờ biển tuyệt đẹp của tỉnh Quảng Bình nay vẫn còn rất nhiều dự án du lịch dang dở, cỏ dại mọc um tùm. Gây lãng phí nhất trong đầu tư là Tập đoàn Vinashin. 

Năm 2006, Tập đoàn này được UBND tỉnh Quảng Bình giao 60 ha“đất vàng”ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới để làm khu nghỉ dưỡng. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, khu đất ấy vẫn trơ gan cùng mưa nắng. 

Bà Nguyễn Thị Lan, người dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình than phiền: Đất đây họ thu hồi để họ làm những dãy nhà 2, 3 tầng kia kìa. Họ định làm 2-3 dãy nữa nhưng họ lại không làm nữa. 

Các tỉnh, thành phố miền Trung sở hữu nhiều bãi biển đẹp, thơ mộng. Chính quyền địa phương đã giao đất nhiều năm cho chủ đầu tư xây dựng các dự án triệu đô. Tình trạng chung hiện nay là rất nhiều diện tích đất ven biển bị bỏ hoang, các nhà đầu tư găm đất, băm nát bờ biển. Có nhà đầu tư xây bờ tường bao quanh, cắt nhỏ chờ cơ hội chuyển nhượng dự án kiếm lời. 

Trong khi đó, người dân không có đường ra biển. Du khách đi dạo trên bãi tắm cũng bị ngăn cấm. Nhiều rừng dương, cồn cát phòng hộ ven biển bị đào bới tan hoang. Lãnh đạo các địa phương hết năm này sang năm khác đưa ra tối hậu thư, yêu cầu chủ đầu tư triển khai dự án và trả lại bãi biển cho người dân. 

Tình trạng băm nát bãi biển đã đến mức báo động đỏ. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải kiểm tra, cấm cấp phép cho các dự án ven biển. 

Diện tích ven biển, bờ biển, mặt biển phải ưu tiên cho nhu cầu công cộng, vui chơi giải trí của người dân và phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh. 

Xử lý như thế nào với việc phân lô, giữ đất bãi biển kéo dài từ nhiều năm nay ở các tỉnh ven biển miền Trung? Nhóm phóng viên VOV- Miền Trung làm rõ vấn đề này trong bài 2 “Dân hết đường ra biển”. Mời quý độc giả đón đọc./.

Nhóm PV (VOV)