Ngôi nhà của ông Điệp với hàng chục vết nứt ngang, dọc – Ảnh: Đinh Dụng
 
Chỉ tay lên những vết nứt trên tường và những vết nứt dọc góc nhà, Bà Nguyễn Thị Tuyến (trú thôn Quán Vinh) nói: “Cứ mỗi lần máy lu nó chạy, rung thì nhà cửa cũng rung theo. Mỗi ngày 7-8 máy lu chạy, rung liên tục, chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ”.
 
Ông Phạm Xuân Điệp (giáp nhà bà Tuyến) cho biết: “Nhà tôi nằm sát tuyến đường đang thi công nên bị ảnh hưởng nặng nề. Khi chuẩn bị cho việc thi công đường thì xe tải chở vật liệu vào với khối lượng lớn, làm nhà tôi bị lún nứt. Lúc đó, người của đội thi công có bảo tôi không nên ở đây nữa, nếu không chẳng may có sự cố gì thì họ không chịu trách nhiệm”.
 
Qua quan sát, ngôi nhà cấp 4 của ông Điệp bị hàng chục vết nứt dọc, ngang. Hiện gia đình ông không còn dám ở căn nhà này nữa mà dùng làm kho chứa đồ đạc.
 
Cách đó không xa là ngôi nhà 3 tầng của gia đình ông Trịnh Minh Luyện (thôn Quán Vinh), đã bị nghiêng sang một bên và nứt nhiều chỗ. Ông Luyện cho biết, nền móng của ngôi nhà được đóng cọc bê tông cốt thép tiết diện vuông 30 x 30 cm, dài 6 m và đóng sâu 18 m với mật độ 1 cọc/1m2. “Khi họ thi công được khoảng tháng rưỡi thì nhà tôi bắt đầu có dấu hiệu bị lún, nghiêng. Đầu tiên là chân tường bên trái bị nứt, tách rời nền và vết nứt ngày càng rộng ra, có chỗ tới 3 cm. Gần đây nhất, tổ công tác gồm đại diện Sở GTVT, UBND xã và đại diện của đội thi công xuống đo đạc, ghi nhận hiện trạng”, ông Luyện nói.
 
Qua tìm hiểu, các hộ dân nơi đây như ông Luyện, bà Tuyến, ông Điệp và một số hộ dân khác không nằm trong diện giải tỏa mà chỉ là những gia đình có đất và nhà giáp với khu vực thi công. Người dân ở đây cho rằng, nguyên nhân chính gây ra những lún, nứt trên là do đơn vị thi công đã nạo vét quá sâu gần móng nhà, đồng thời lu rung hoạt động thường xuyên.
 
Trao đổi với PV , ông Đinh Văn Vụ, Giám đốc Ban quản lý các dự án xây dựng giao thông số 3 (Sở GTVT Ninh Bình) cho biết dự án đường tránh QL 1A qua TP.Ninh Bình có chiều dài 17 km với tổng số vốn dự kiến là 1.700 tỉ đồng, do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư và doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là nhà thầu thi công. Dự án được triển khai từ năm 2009, ban đầu dự kiến hoàn thành trong năm 2012. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên bị kéo dài. Gần đây, được bổ sung vốn từ Trung ương nên dự án tiếp tục được thi công và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016. Riêng đoạn qua xã Ninh Hòa dài khoảng 1,5 km, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Hòa, sau khi nhận kiến nghị của các hộ dân, UBND xã đã cùng với đơn vị thi công xuống kiểm tra và lập biên bản hiện trạng. “Quá trình thi công đường đã làm lún, nứt nhà của một số hộ dân, đặc biệt là căn nhà 3 tầng của gia đình ông Luyện. Chúng tôi đã lập biên bản đề nghị đơn vị thi công hỗ trợ, bồi thường cho người dân”, ông Hoàng nói.
 
Ông Đinh Văn Vụ cũng thừa nhận việc thi công đường ít nhiều ảnh hưởng, gây lún nứt nhà của các hộ dân. Tuy nhiên, theo ông Vụ, tình hình cụ thể như thế nào thì phải kiểm tra kỹ càng mới xác định được. “Trước khi thi công, chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu, xã, huyện vào kiểm tra hiện trạng và ghi biên bản để sau khi thi công xong sẽ kiểm tra lại, so sánh thì mới có cơ sở giải quyết đền bù giữa nhà thầu với các hộ dân. Khi đó, nếu hai bên không giải quyết được với nhau thì chúng tôi sẽ mời cơ quan kiểm định độc lập để làm việc đó”, ông Vụ khẳng định.

Đinh Dụng (Thanh niên)