Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và các quan chức ngành giao thông trong một chuyến thị sát địa điểm Long Thành trong năm 2014.
Chọn mô hình nào?
Trả lời PV ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là Bộ Giao thông Vận tải, ACV sẽ “tích cực chuẩn bị mọi nguồn lực để có thể triển khai nhanh, làm sao trong thời gian sớm nhất có thể hoàn thành báo cáo khả thi để trình Quốc hội và sẽ tiếp tục công tác chuẩn bị đầu tư Long Thành”.
Ông cho hay “tùy vào nhiệm vụ của Bộ giao, nhưng Tổng công ty chắc chắn sẽ tham gia một cách tích cực”.
Báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành giao thông, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết việc lập báo cáo khả thi của dự án sân bay Long Thành sẽ là một “công việc ưu tiên” trong nửa cuối năm 2015. Trong bối cảnh đề án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Bộ Chính trị, sự quan tâm của giới đầu tư đối với Long Thành chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới.
Tuy nhiên, “kế hoạch Long Thành” sẽ không thể đẩy nhanh được nếu như các nguyên tắc căn bản của nó không được thiết lập ngay từ đầu mà một trong những nội dung thu hút sự chú ý chính là cơ chế nào để tiến hành đầu tư dự án này.
Trả lời PV về việc mô hình nào là phù hợp cho việc triển khai đầu tư, ông Hùng nói rằng, để phát huy tất cả nguồn lực xã hội, trong dự án đã nêu rõ vấn đề vốn cho Long Thành sẽ có một phần là ngân sách và có thể có các nguồn lực xã hội khác, vốn của các tổng công ty khác và cả vốn ODA.
“Để thực hiện cái này, Bộ sẽ có chỉ đạo, quyết định cụ thể, nhưng phương hướng có thể là cho lập một công ty cổ phần, đảm bảo hiệu quả theo quy định chung của nhà nước. ACV sẽ đóng góp thế nào thì còn tùy. Các nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư thì cũng có thể tham gia”, ông Hùng nói.
Những người trong cuộc đều hiểu rằng, để đi tới được bước “thông qua chủ trương”, không ai khác, chính ACV là bên vất vả nhất.
Trong quá trình làm báo cáo đầu tư, phải thừa nhận đơn vị này đã cố gắng tham khảo, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người dân… Chính vì vậy, việc ACV sẽ đóng một vai trò quan trọng trong “kế hoạch Long Thành” được xem là khả thi.
Theo ông Lương Hoài Nam, một chuyên gia giàu kinh nghiệm về hàng không, có ba mô hình đầu tư chính có thể được xem xét để lựa chọn cho dự án sân bay Long Thành, gồm mô hình đầu tư công; mô hình đầu tư công-tư (PPP) và mô hình công ty cổ phần dự án.
Theo ông Nam, mô hình công ty cổ phần dự án có thể phù hợp nhất cho dự án sân bay Long Thành. Đây cũng là mô hình đầu tư của sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc), với nhà nước chiếm 45%, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chiếm 10%, 35% cổ phiếu sân bay Bắc Kinh được phát hành và giao dịch tự do trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
“Mô hình đầu tư của dự án sân bay Long Thành sẽ quyết định cách tổ chức quản lý đầu tư, cũng như cách quản lý và vận hành sân bay sau đầu tư. Nếu mô hình công ty cổ phần dự án được lựa chọn, tôi tin rằng tính trách nhiệm và chuyên nghiệp trong quản lý sẽ được phát huy cao nhất trong mọi lĩnh vực và giai đoạn của dự án”, ông Nam đề xuất.
Nhiều ẩn số trong gọi vốn
Quốc hội chỉ mới thông qua chủ trương đầu tư, và mặc dù Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã khẳng định rằng công việc ưu tiên trước mắt chỉ là lập báo cáo khả thi dự án, song rõ ràng là “kế hoạch Long Thành” đã được bắt đầu khởi động, và với cách làm quyết liệt xưa nay của ông Thăng, quá trình này chắc chắn ít có những khoảng chờ.
Tuy nhiên, câu chuyện cốt lõi cuối cùng vẫn là huy động vốn cho dự án như thế nào, trong bối cảnh mô hình “công ty cổ phần dự án” có vẻ như đang nhận được nhiều sự ủng hộ.
Với 2/3 tổng số vốn cho dự án sân bay Long Thành dự kiến huy động từ các nguồn xã hội hóa, dự án sẽ được chính thức đưa ra thị trường đầu tư và thị trường tín dụng, sau khi báo cáo tiền khả thi được Quốc hội thông qua.
Khi đó, vẫn theo ông Lương Hoài Nam, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính ở trong và ngoài nước “sẽ cho biết họ muốn mô hình đầu tư nào để yên tâm để cùng tham gia đầu tư hoặc cung cấp tín dụng”.
“Nhà nước cần tiếp thu các điều kiện hợp lý của họ một cách thuận lợi để dự án có thể thu hút được vốn. Cá nhân tôi cho rằng họ sẽ muốn mô hình công ty cổ phần dự án, mà vốn Nhà nước chiếm không quá 50%”, ông nhấn mạnh.
Vậy các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đứng đâu trong “kế hoạch Long Thành”?
Thời gian qua, đã có không ít các nhà đầu tư nước ngoài “mở lời” với Bộ Giao thông Vận tải, song tất cả mới chỉ dừng ở mức thăm dò, như tập đoàn ADPi của Pháp, các tập đoàn Samsung, công ty cảng hàng không Incheon của Hàn Quốc, các tập đoàn của Nhật Bản…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thăng, các nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ bày tỏ sự quan tâm, chứ chưa thể nói gì cụ thể. “Phải có báo cáo khả thi được các cấp thẩm quyền phê duyệt thì nhà đầu tư mới để tính toán ra được hiệu quả ra sao trước khi có các quyết định cụ thể”, ông nói.
Theo báo cáo của Chính phủ về dự án này, một trong những nguồn vốn đầu tư dự kiến được huy động cho Long Thành là “từ khu vực tư nhân thông qua việc tiến hành cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam”.
Với việc ACV đã và đang hoàn tất các thủ tục để IPO trong thời gian tới, không loại trừ khả năng trong cơ cấu cổ đông của công ty cổ phần dự kiến được lập ra để triển khai Long Thành, những cái tên mới có thể sẽ xuất hiện phút cuối đầy bất ngờ!