Có mặt tại chung cư Cô Giang khi khu chung cư có tuổi thọ gần 50 năm này đã đến hạn di dời khu D nhưng vẫn còn hàng chục hộ dân chưa chịu di dời. Theo nhiều người dân tại khu chung cư này, họ bám trụ lại nơi đây với mong muốn nhận được một mức đền bù thỏa đáng hơn. Hiện mức giá bồi thường của những căn hộ có diện tích dưới 30m2 tại khu này nếu không muốn tái định cư tại chỗ sẽ được đền bù khoảng 750 triệu đồng.
Khúc mắc về mức giá đền bù là lý do chính khiến chung cư này vẫn còn người chưa chịu dời đi dù UBND thành phố đã có chủ trương giải tỏa chung cư này từ năm 2007. Được biết, chung cư Cô Giang xây dựng từ năm 1968, gồm 4 lô nhà với khoảng 750 hộ dân sinh sống.
Năm 2006, UBND Tp.HCM đã có chủ trương đầu tư xây dựng lại chung cư này và giao cho Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt làm chủ đầu tư xây dựng dự án Khu căn hộ và Trung tâm Thương mại Pavilion Square. Người dân được lựa chọn nhận tiền trọn gói và không tái định cư hoặc nhận tiền hỗ trợ tạm cư, chờ nhận nhà tái định cư tại chỗ.
Chung cư Cô Giang, quận 1 xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Nam Dương
Tương tự, ở chung cư Thanh Đa việc tháo dỡ cũng gặp rất nhiều khó khăn dù UBND quận Bình Thạnh đã công bố kế hoạch di dời khẩn cấp lô 4 và lô 6 chung cư Thanh Đa từ tháng 3/2014 nhưng vẫn chưa thể hoàn thành đúng hẹn.
Thống kê của Sở Xây dựng Tp.HCM cho thấy, hiện nay trên địa bàn thành phố có có 1.244 chung cư, trong đó có 533 chung cư, nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975 với quy mô 50.460 căn hộ.
Nguyên nhân khiến việc di dời dân ở các chung cư cũ diễn ra chậm chạp là do các doanh nghiệp không muốn tham gia vào những dự án này vì ngán ngẩm việc thoả thuận giá cả đền bù và những chính sách cho người dân di dời.
Theo dự thảo nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, UBND cấp tỉnh được quyền quyết định cho chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư được phép điều chỉnh hệ số sử dụng đất sẽ gấp 3 lần và chiều cao công trình xây dựng không hạn chế. Đặc biệt, nhà đầu tư được áp dụng chính sách nhà ở xã hội với những ưu đãi như tài chính, thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT.
Bên cạnh những ưu đãi nêu trên, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM cho rằng, để thúc đẩy nhanh tiến độ, giải quyết những vướng mắt trong việc di dời các hộ dân, tạo mặt bằng sạch cho doanh nghiệp đầu tư, cần bổ sung quy định dự thảo nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo đó, trong trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm phải phá dỡ, xây dựng lại mới thì các hộ gia đình, cá nhân đang cư ngụ tại chung cư phải có nghĩa vụ chấp hành thực hiện di dời, hoặc quyết định cưỡng chế di dời để phá dỡ chung cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về quyền của tập thể chủ sỡ hữu các căn hộ chung cư được tự quyết phá dỡ, xây dựng lại mới chung cư của mình nếu có đủ điều kiện về nguồn lực tài chính. Đồng thời, cần bổ sung nguyên tắc hoán đổi căn hộ chung cư xây dựng mới có diện tích tối thiểu bằng hoặc lớn hơn căn hộ đã ở trong chung cư cũ.
Đối với những hộ đông người, hoặc có nhiều hộ khẩu trong cùng một căn hộ chung cư, thì ngoài căn hộ chung cư xây dựng mới được hoán đổi, còn được quyền mua thêm căn hộ với giá ưu đãi phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của từng dự án và của từng địa phương.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng Tp.HCM, trong 5 năm tới thành phố sẽ di dời, tháo dỡ, xây dựng thay thế 29 chung cư cũ xuống cấp. Trong đó có cụm chung cư Cô Giang, chung cư 11 Võ Văn Tần, chung cư 6bis Nguyễn Tất Thành, chung cư Trúc Giang, chung cư Tản Đà – Hàm Tử, cụm chung cư Ngô Gia Tự,… |