Trong phiên, có lúc giá giao ngay lên đỉnh 2 tuần tại 1.174 USD một ounce, sau đó bắt đầu đi xuống. Giá vàng giao tháng 8 tăng 9,7 USD lên 1.173 USD một ounce.

Sáng nay, thị trường phát tín hiệu xuống, chạm 1.168 USD lúc 7h30 (giờ Hà Nội), tương đương 30,75 triệu đồng một lượng (chưa thuế, phí, gia công). Thị trường trong nước hôm qua đóng cửa quanh 34,25-34,32 triệu đồng.

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7, hơn 61% người dân Hy Lạp đã nói “Không” với các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy gói cứu trợ của các chủ nợ. Lãnh đạo Pháp và Đức – hai nền kinh tế hàng đầu eurozone đều cho biết cánh cửa đàm phán với nhóm chủ nợ vẫn mở rộng cho Hy Lạp. Tuy nhiên, họ cũng thúc giục nước này đưa ra các đề xuất có giá trị tại cuộc họp của eurozone, để đổi lấy tiền cứu trợ và không phải rời khu vực đồng tiền chung.

“Có vẻ thị trường lo ngại cuộc họp báo chung của Pháp và Đức hôm qua sẽ có những tuyên bố khắc nghiệt, khiến viễn cảnh Hy Lạp ra đi lớn hơn trước. Nhưng cuối cùng, những tuyên bố này lại khá thận trọng và hiền lành. Thế là nhà đầu tư lại bán ra”, Tai Wong – Giám đốc Giao dịch kim loại quý tại BMO Capital Markets nhận xét.

Cuộc bỏ phiếu hôm 5/7 đẩy các ngân hàng Hy Lạp đến gần nguy cơ sụp đổ. Hôm qua, Hy Lạp đã gia hạn thời gian đóng cửa của hệ thống ngân hàng thêm 2 ngày, sau khi ECB từ chối cấp tiền cho các nhà băng nước này. Các lãnh đạo châu Âu đã kêu gọi một cuộc họp thượng đỉnh trong hôm nay để bàn thảo hướng đi sắp tới.

Thị trường chứng khoán trên khắp thế giới hôm qua đều đỏ lửa. Giá dầu WTI tại Mỹ còn giảm gần 8% xuống 52,53 USD một thùng. Trong khi dầu Brent mất hơn 6% xuống 56,54 USD.

Vàng được coi là công cụ trú ẩn trong thời kỳ biến động tài chính và kinh tế. Tuy nhiên, khủng hoảng Hy Lạp vẫn chưa khiến nhu cầu này tăng mạnh. Các quỹ đầu tư đã giảm đặt cược vào hợp đồng giá giảm tuần cuối tháng 6, trước khi Hy Lạp bị tuyên bố vỡ nợ.

Hà Thu (VnExpress)