Không biết dựa vào đâu mà các nhà lập dự án quy hoạch lại có ý tưởng lãng mạn khoác cho dự án một cái tên thấm đẫm huyền thoại trong thời kỳ phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và kỹ thuật số! Được biết, số vốn đầu tư dự kiến (tính thời điểm 2015) cho dự án vào khoảng 33 ngàn tỷ đồng, trong đó gần 11 ngàn tỷ dành cho giải phóng mặt bằng (GPMB) trên phạm vi hơn hai ngàn héc- ta, thuộc phạm vi 3 xã của huyện Sóc Sơn và 10 xã của huyện Đông Anh. Đây chủ yếu là đất trồng lúa, làng quê, các điểm dân cư. Báo cáo với Thủ tướng về dự án, lãnh đạo Hà Nội khẳng định, nguồn vốn đầu tư sẽ phải dựa vào ngân sách Trung ương và nguồn xã hội hóa (huy động vốn của các nhà đầu tư). Bên cạnh đó nếu Chính phủ cho phép sẽ huy động các nguồn vốn khác như vay ODA, vay ưu đãi của các ngân hàng… Nói chung, nếu quyết tâm thì chắc chắn là có vốn! Tuy nhiên, chưa biết hình hài kiến trúc của dự án này ra sao, liệu có đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo và của cả nhân dân Hà Nội và tạo ra hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài một diện mạo kiến trúc đô thị mới, hiện đại và mang bản sắc văn hóa của Thăng Long-Hà Nội trong thế kỷ XXI hay không, nhưng trước những gì đã và đang diễn ra khi thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tới năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và công tác phát triển quy hoạch cũng như quản lý quy hoạch xây dựng hiện nay ở Hà Nội, không khỏi băn khoăn những vấn đề sau:
Thứ nhất là công tác GPMB, một kinh nghiệm xương máu nhiều năm qua cho thấy, Nhà nước phải đảm nhận công tác này. Sau khi GPMB sẽ giao cho các nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu đất sạch để thực hiện dự án thành phần. Nếu như không muốn xảy ra dự án treo, hay những bất ổn xã hội chung quanh việc đền bù trong quá trình nhà đầu tư thực hiện. Thứ hai, trên phạm vi hai ngàn héc – ta để thực hiện dự án ngoài đồng ruộng ao hồ, thảm cây xanh còn có rất nhiều làng xóm, điểm dân cư, di tích kiến trúc… vì thế việc di dân GPMB và xây dựng kiến trúc mới không thể không tính đến tác động của dự án đến môi trường sống, môi trường sinh thái cũng như bảo tồn, giữ gìn di tích kiến trúc văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống. Thứ ba, để có một quy hoạch chi tiết phát triển đô thị hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài khả thi, rất cần có một cuộc thi thiết kế quy hoạch kiến trúc tầm cỡ với sự tham gia của các đơn vị tư vấn hàng đầu trong nước và quốc tế. Sau khi có kết quả sẽ triển lãm rộng rãi lấy ý kiến của các chuyên gia và nhân dân.
Một thực tế không mấy vui thường xảy ra ở Hà Nội và rất nhiều địa phương khác trong cả nước là khi lập quy hoạch, các KTS quy hoạch thường thể hiện bản vẽ rất đẹp với nhiều minh họa trình diễn bằng phương pháp 3D hấp dẫn kèm theo là những lời thuyết minh có cánh?!. Thế nhưng, khi thực hiện thì lại hoàn toàn khác. Các dự án đô thị vệ tinh của Hà Nội sau khi mở rộng là Xuân Mai-Hòa Lạc, Sơn Tây – Miếu Môn và rất, rất nhiều dự án nhà ở khác hiện đang để hoang phế là các ví dụ sinh động.
Xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô hiện đại văn hóa-văn minh xứng đáng với tầm vóc của một quốc gia phát triển có 100 triệu dân như nước ta là mục tiêu cao cả mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang hướng tới. Nhưng không vì thế mà nóng vội, thực hiện bằng mọi giá. Dự án “Rồng ngậm ngọc” sẽ chỉ khả thi một khi nó được chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, kinh tế với sự tham gia của các hội nghề nghiệp, các KTS, các chuyên gia quy hoạch có tài, có tâm huyết và đặc biệt là sự quan tâm đồng thuận của cộng đồng. Nếu không, dự án “Rồng ngậm ngọc” sẽ chỉ là những bản vẽ tô màu rất đẹp để vừa lòng ai đó, còn hiện thực thì ở nơi… xa lắm?!