Doanh nghiệp kêu oan vì bị bêu tên ‘cắm’ dự án tại ngân hàng

Hiệp hội Bất động sản TP HCM phản ánh việc công bố thông tin 77 dự án đang thế chấp ngân hàng đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản.

Sau khi danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng được đoàn công tác Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM phối hợp cùng Sở Tư pháp, Xây dựng công bố rộng rãi, thị trường địa ốc đối mặt với hàng loạt thách thức.

Nhiều doanh nghiệp đang triển khai và mở bán dự án căn hộ trên địa bàn cho biết đang phải liên tục giải tỏa nỗi hoài nghi cho khách mua nhà, bởi lẽ mọi người ngộ nhận rằng dự án đang thế chấp tức là tài sản của họ bị đe dọa, năng lực chủ đầu tư có vấn đề.

Một số doanh nghiệp lo ngại thanh khoản thị trường nhà chung cư TP HCM đứng trước nguy cơ tiếp tục chịu tác động điều chỉnh sau 2 quý liền sụt giảm. Mặt khác, cũng có doanh nghiệp phản ánh đã tiến hành rút tài sản đảm bảo nhưng danh sách này lại công bố dự án vẫn đang thế chấp.

Đơn cử trường hợp kêu oan của chủ đầu tư một dự án căn hộ tại quận 7 bị nêu tên đang thế chấp dự án tại một ngân hàng thương mại, nhưng trên thực tế doanh nghiệp đã có chứng thư xác nhận giải chấp nhiều căn hộ. Nhà băng cũng khẳng định đã giải chấp sản phẩm từ các block khác của dự án này. Quá trình cập nhật lịch sử thế chấp và giải chấp chưa kịp thời đã gây nhiễu thông tin cho khách hàng mua dự án này.

doanh-nghiep-keu-oan-vi-bi-beu-ten-cam-du-an-tai-ngan-hang

Không ít doanh nghiệp địa ốc kêu bị “bêu” tên oan.

Trong khi đó, CEO một doanh nghiệp chuyên phát triển nhà chung cư cao cấp tại khu Đông và Nam TP HCM và có vài dự án bị bêu tên trong danh sách đang thế chấp ngân hàng cũng lo ngại cảnh “vàng thau lẫn lộn”.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp này phân trần, việc thế chấp tài sản để vay vốn là hợp pháp, đúng quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014. Quá trình thế chấp được ngân hàng thẩm định theo yêu cầu nghiêm khắc của ngành tài chính. Hoạt động thế chấp trên thị trường hiện nay khá đa dạng, được phân thành nhiều loại, nhóm và có vô vàn mục đích khác nhau.

Do đó, theo CEO này, không thể đánh đồng việc thế chấp từng phần (block) chung cư với cả dự án. Tương tự, càng không thể cào bằng việc thế chấp quyền sử dụng đất với công trình gắn liền trên đất. Ngoài ra, mục đích thế chấp của các doanh nghiệp không giống nhau. Tình trạng thế chấp đã được giải chấp từng phần cũng phải cập nhật rõ.

“Một khi đã công bố rộng rãi, chúng tôi mong đợi chất lượng thông tin chính xác, toàn diện, phân loại cụ thể, tránh gây hiểu nhầm và đánh đồng hoạt động thế chấp dự án tại ngân hàng với hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật”, ông nói.

Tổng giám đốc một công ty địa ốc có trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM giải thích, đối với ngành bất động sản, dự án nào được thế chấp và được vay tức là xếp loại khá, tốt, tiềm năng trở lên. Trên thực tế doanh nghiệp nào cũng cần thế chấp để vay nhưng vấn đề là họ có được vay hay không vì thẩm định của ngân hàng rất khắt khe.

Theo doanh nghiệp này, dự án nào được ngân hàng thẩm định cho vay có thể hiểu là pháp lý minh bạch và đạt chuẩn an toàn. Nếu không có ngân hàng đứng ra cho vay thì dòng tiền của dự án chưa được đảm bảo vì hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản cần nguồn vốn rất lớn từ nhiều kênh. Do đó, không nên hiểu nhầm việc dự án đang thế chấp tại ngân hàng với tình trạng chủ đầu tư không có đủ năng lực tài chính hay lừa đảo người mua.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) cũng phát đi văn bản phản ảnh việc công bố thông tin 77 dự án đang thế chấp ngân hàng đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản. Tác động lớn nhất là làm cho một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, đặc biệt là có người hiểu nhầm dự án đã bị thế chấp đồng nhất với tình trạng năng lực chủ đầu tư yếu kém.

Do đó, HOREA kiến nghị Sở Tài nguyên Môi trường khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư nhằm giúp người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà.

Đồng thời hiệp hội cũng đề nghị ngân hàng nhận thế chấp có cơ chế giám sát bên thế chấp (chủ đầu tư) sử dụng nguồn vốn vay tín dụng và vốn huy động của khách hàng đúng mục đích. Từ đó thúc đẩy việc bàn giao nhà cho khách hàng cũng như thực hiện giải chấp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng đúng quy định.

Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường), Phạm Ngọc Liên xác nhận, sau khi danh sách 77 dự án đang thế chấp tại ngân hàng, một số doanh nghiệp đã có phản hồi nhanh chóng. Đa số ý kiến cho rằng danh sách công bố các dự án còn quá ít so với thực tế, không có sự phân loại tình trạng và  mục đích thế chấp.

Ông Liên thừa nhận do mới công bố lần đầu, chưa có điều kiện khảo sát ý kiến của người dân và doanh nghiệp nên vẫn cần thêm nhiều đóng góp tích cực nhằm góp phần minh bạch thông tin trên thị trường địa ốc. Trong thời gian tới, tổ công tác rà soát và công bố danh sách các dự án đang thế chấp tại ngân hàng sẽ tiến tới cập nhật thêm thông tin dự án đang tiến hành giải chấp và một số nội dung liên quan để người dân nắm rõ. Tuy nhiên, mục đích thế chấp sẽ rất khó xác định, vì điều này thuộc về nghiệp vụ quản lý dòng tiền của nhà băng. Trong thời gian tới sẽ cần thêm sự hỗ trợ rất nhiều từ phía ngân hàng để cập nhật các danh sách tiếp theo.

Vũ Lê

Danh mục : Tin Tức BDS