Chiều 8/7, tại phiên thảo luận, kỳ họp thứ 14, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, đại biểu Lê Vinh Quang, cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trong khi lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm nhưng lượng khách đến đến Đà Nẵng vẫn tăng so với cùng kỳ.

“Sự phát triển nóng trong lĩnh lực du lịch khiến các dịch vụ và sản phẩm du lịch chưa theo kịp. Điều này giống như một chiếc áo đã chật. Dó đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng phải nghiên cứu phát triểm thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng”, ông Quang nói. Ông kiến nghị, lãnh đạo TP Đà Nẵng nên xem xét tận dùng đường bộ trên núi Hải Vân để xây dựng thành đường đua Công thức 1. 

Đèo Hải Vân được kiến nghị xây đường đua công thức 1

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng cần học tập các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực, cho phép các nhà đầu tư xây dựng thêm các casino để thu hút du khách quốc tế.

Ông Quang phân tích, các quốc gia, vùng lãnh thổ có ngành du lịch phát triển như Hong Kong, Macao, Singapore… đều có các casino để phục vụ du khách. Còn ở nước ta, loại hình dịch vụ này chưa phát triển nên du khách đến ít ngày, khi hết chỗ chơi thì họ chán.

Trong khi đó, vẫn có nhiều người Việt Nam ra nước ngoài để đến các casino để chơi. “Chúng ta không xây dựng casino vì mục đích phát triển du lịch là quá lãng phí”, vị đại biểu này nói. Đại biểu Mai Đức Lộc, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, nhận định Đà Nẵng có biển đẹp, nhưng thành phố chưa tạo ra được dấu ấn của biển để khai thác tiềm năng và thế mạnh từ biển. 

Bên cạnh đó, tình trạng chéo kéo, đeo bám khách du lịch vẫn diễn ra phổ biến. Việc các nhà hàng nâng giá bán sản phẩm du lịch vẫn tồn tại mà chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. 

Đà Nẵng vẫn đang loay hoay tìm sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Còn theo đại biểu Huỳnh Phước, mấu chốt của vấn đề là phải tạo ra được “văn hóa du lịch” cho từng người dân, kể cả người buôn bán, lái xe taxi cho đến chủ các nhà hàng, khách sạn. 

Tuyệt đối không được “chặt chém” du khách

Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng kể ra một câu chuyện buồn mà ông từng chứng kiến. Hai hôm trước, ông và một vị khách ở Hà Nội đến một khách sạn ở biển Ngũ Hành Sơn ăn cơm. Vừa đến nơi, ông thấy có một vị khách cãi nhau với anh lái xe taxi.

 Vị khách cho rằng, chặng đường từ trung tâm thành phố sang đến khách sạn (chưa đến 15 km) không thể có giá 800.000 đồng nên họ không trả.

  “Tôi phải gọi điện cho anh giám đốc hãng taxi trên và đề nghị kỷ luật anh tài xế đó. Ở một thành phố đáng sống, thành phố du lịch và thân thiện mà “chặt chém” như thế, xấu hổ lắm”, ông Thọ bức xúc, nói.

Cả hội trường im lặng, ông Thọ tiếp tục lôi ra vụ một nhà hàng hải sản ở đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) “tính nhầm” tiền ăn cho khách, gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. 

Ông Thọ nói tiếp: “Khách đến ăn chưa hết 2 triệu đồng. Nhưng nhà hàng tính nhầm lên đến gần 4 triệu. Khi báo chí phản ánh thì nói là do nhân viên tính nhầm. Nhầm kiểu chi lạ thế. Như thế là anh cố tình, chứ không phải nhầm. Vài ba nhà hàng mà cứ nhầm như thế thì làm sao khách còn dám đến Đà Nẵng để ăn, chơi nữa”. Ông Thọ phân tích thêm, trong năm qua ngành du lịch cả nước gặp nhiều khó khăn khi lượng khách quốc tế đều giảm.

Trong khi đó, khách đến Đà Nẵng tăng 25%, doanh thu tăng 33% so với cùng kỳ. Điều đó chứng tõ, Đà Nẵng vẫn đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. 

“Tôi thường nói vui với mấy anh em, đến Đà Nẵng, anh không bị kẹt xe. Nhưng anh đi máy bay đến Đà Nẵng thì sẽ bị kẹt máy bay. Nhất là mùa hè, khách đến Đà Nẵng rất đông. Nhưng Đà Nẵng chưa ngon lắm đâu. Các anh đừng có chủ quan. Vấn đề quan trọng là đừng có “chặt chém” du khách. Mỗi người dân phải tự rèn luyện để trở thành một “đại sứ” thân thiện với du khách. Có như thế thì mới làm du lịch bền được”, ông nói. 

Hoan nghênh các ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH – TT – DL Đà Nẵng mong rằng, trong kỳ họp này, HĐND TP  và UBND TP cho chủ trương để sang năm thuê chuyên gia làm đề án tầm cỡ hơn để thu hút khách du lịch.

Đoàn Nguyên (Zing)