Phối cảnh tổng thể của Dự án Khu du lịch Bình Tiên
Khát nước…
Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bình Tiên là dự án nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2005. Sau đó, UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định cấp phép đầu tư Dự án xây dựng Khu du lịch Bình Tiên thuộc xã Công Hải, huyện Ninh Hải cho Công ty Bình Tiên.
Dự án gồm hệ thống khách sạn, biệt thự cao cấp, tổng cộng 500 phòng tiêu chuẩn 5 sao, sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, bến du thuyền…, được xây dựng trên diện tích 192,5 héc-ta, tổng mức đầu tư 2.579 tỷ đồng, gồm nguồn vốn của chủ đầu tư và vốn vay. Dự án gồm 2 giai đoạn, dự kiến hoàn thành toàn bộ và đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Sau khi được cấp phép, chủ đầu tư đã thực hiện các công việc liên quan như giải phóng mặt bằng trên diện tích 157 héc-ta, xây dựng hạ tầng khu tái định cư, xây nhà làm việc Ban Quản lý dự án, nhà ở chuyên gia, bến du thuyền, san lấp mặt bằng khu khách sạn trung tâm, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sân golf và một số tuyến đường nội bộ dự án…
Đến hết năm 2014, Công ty Bình Tiên đã đầu tư 300 tỷ đồng vào dự án này. Tuy nhiên, do có một số khó khăn, vướng mắc, nên Công ty đã đề nghị và được UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép giãn tiến độ thực hiện dự án.
Theo phản ánh của Công ty Bình Tiên, khó khăn chủ yếu nằm ở vấn đề điện, nước. Về nguồn nước, tỉnh Ninh Thuận là vùng đất khô hạn nhất nước, lượng mưa trung bình chỉ đạt 400 mm/năm. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn nước cấp bền vững và lâu dài cho các dự án ven biển phía Bắc của tỉnh có ý nghĩa quyết định và sống còn, nhất là với dự án du lịch.
Do đó, ngay từ khi lập báo cáo đầu tư dự án, Công ty Bình Tiên đã tiến hành nghiên cứu khảo sát nguồn nước cấp cho dự án, mời các nhà khoa học đầu ngành thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi, Viện Địa chất phía Nam tham gia khảo sát, đánh giá tiềm năng nguồn nước khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa và các vùng lân cận.
Từ đó, xây dựng phương án tạo hồ chứa giai đoạn 1 hơn 1,2 triệu m3 nước với công suất cấp nước 6.000 m3/ngày đêm, có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng và nâng công suất cấp nước lên 11.000 – 12.000 m3/ngày đêm.
Chủ đầu tư đã báo cáo và được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư. Tiếp đó, chủ đầu tư tiến hành các thủ tục lập dự án báo cáo khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình UBND tỉnh đề nghị cấp chứng nhận đầu tư để có căn cứ triển khai.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, Công ty Bình Tiên nhận được văn bản của cơ quan chức năng cho biết, vị trí xây dựng công trình đập Chà Là chồng lấn một phần diện tích mới được UBND tỉnh chấp thuận giao cho một doanh nghiệp khác là Công ty Thành Trung sử dụng, để đầu tư một dự án phát triển du lịch. Do đó, dự án cấp nước của Công ty Bình Tiên phải dừng lại.
Trên thực tế, từ 2010, Công ty Thành Trung nhiều lần cam kết cấp nước cho Dự án Bình Tiên, nhưng đến nay, dự án này và các hộ dân thôn Bình Tiên vẫn chưa có giọt nước nào từ nhà máy cấp nước của Thành Trung. Chính vì vậy, Công ty Bình Tiên đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét thận trọng nhà máy cấp nước của Công ty Thành Trung.
Được biết, nguồn nước cho nhà máy lấy từ hồ Sông Trâu, trong khi nhiệm vụ chính của hồ là cấp nước cho nông nghiệp (trên 10 triệu m3/năm). Tuy nhiên, chỉ riêng Dự án Bình Tiên đã có nhu cầu là 3 triệu m3/năm, chiếm 30% dung tích hồ. Chưa kể, về mùa khô hạn thì gần như hồ Sông Trâu không có nước để cấp cho nông nghiệp. Trong khi mùa khô lại chính là mùa cao điểm du lịch và không có nước, thì khu du lịch không thể hoạt động được. Trên thực tế, mực nước hồ Sông Trâu khô đáy suốt từ đầu năm 2015 đến nay.
Theo ông Nguyễn Nam Linh, Giám đốc điều hành Công ty Bình Tiên, khi xin chủ trương đầu tư dự án, Công ty Thành Trung hứa hẹn đầu tư hệ thống cấp nước công suất 20.000 m3/ngày đêm, nhưng tại buổi lễ khởi công dự án, nhà đầu tư công bố quy mô công suất cấp nước dự án còn 6.000 m3/ngày đêm, làm cho nhiều nhà đầu tư có dự án trong khu vực, nhất là Công ty Bình Tiên cảm thấy không yên tâm.
Gần đây nhất, Công ty Thành Trung lại có văn bản chính thức thông báo sẽ chỉ xây dựng nhà máy cấp nước công suất 2.000 m3/ngày đêm. Theo Công ty Bình Tiên, Công suất này chỉ đáp ứng được chưa đầy 30% nhu cầu dùng nước giai đoạn 1 của Khu du lịch Bình Tiên, chưa nói đến cấp nước cho bản thân dự án của Công ty Thành Trung, càng không thể tính đến việc cấp nước cho các dự án khác, cũng như góp phần cải thiện điều kiện dân sinh trong khu vực được. Nếu nguồn cấp nước không đảm bảo, theo Bình Tiên, Dự án của Công ty có thể bị thiệt hại trên 300 tỷ đồng/năm.
… và thiếu điện
Không chỉ thiếu nguồn nước, Dự án Khu du lịch Bình Tiên còn gặp khó khăn về nguồn điện. Hiện tại, Dự án Khu du lịch Bình Tiên và bà con thôn Bình Tiên đang sử dụng tạm thời đường điện 0,6 KV do Điện lực Cam Ranh (Khánh Hòa) cấp. Đường điện này chỉ mang tính tạm thời, đủ phục vụ cho vài chục hộ dân trong khu vực và Ban Quản lý dự án. Do vậy, việc thiếu hệ thống điện cao thế 110KV/25KVA đang là một khó khăn cho dự án.
Ngoài ra, liên quan đến mặt bằng, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Hơn 157 héc-ta diện tích của giai đoạn 1 đến cuối tháng 12/2012 mới hoàn thành bàn giao mặt bằng, trong khi hơn 33 héc-ta diện tích của giai đoạn 2 đến nay chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng.
Đây là phần đất được quy hoạch để xây dựng nhiều công trình quan trọng, thi công trong giai đoạn đầu của dự án, trong đó có tuyến đường chính phục vụ dân sinh theo yêu cầu của đồng bào thôn Bình Tiên và chính quyền huyện Thuận Bắc, nhưng chưa có mặt bằng để triển khai thi công.
Theo Công ty Bình Tiên, Dự án này là dự án nhóm A và theo quy định của Luật Đầu tư, thì Dự án được hưởng các ưu đãi như được giao mặt bằng sạch (Nhà nước giải tỏa, đền bù), được cung cấp hệ thống kỹ thuật điện, nước, đường giao thông đến chân hàng rào dự án và các ưu đãi luật định khác.
“Hiện dự án đang đứng trước nhiều khó khăn, chúng tôi mong Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Thuận cần có ngay giải pháp đầu tư cho hệ thống điện và nhà máy nước ở Bình Tiên”, ông Linh kiến nghị.