Tại phiên chất vấn sáng 9/7, kỳ họp thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng chuyển đến ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng câu hỏi của các cử tri nhắn tin vào điện thoại của ông: “TP có giao bãi biển cho các nhà đầu tư khách sạn, resort ven biển quản lý hay không? Dân có được đến đó tắm biển không? Đất của mình không cho thuê, không chuyển nhượng mà giao cho họ quản lý, như thế có phù hợp hay không? Tại sao mình không quản lý mà để cho họ quản lý?”.

Sở hữu bờ biển dài khoảng 30km nhưng người dân Đà Nẵng phải chen chúc nhau ở những bãi tắm nhỏ hẹp do tình trạng cát cứ, ngăn cấm của các khách sạn, resort ven biển (Ảnh: HC)

Ông Trần Văn Sơn cho hay, trước đây do bãi biển Đà Nẵng “chưa hoàn thiện”, người dân sinh hoạt chưa nhiều nên TP có chủ trương giao cho các khách sạn, resort 5 sao quản lý, dọn dẹp sạch sẽ để đảm bảo môi trường. Trong điều kiện hiện nay, các khách sạn, resort mọc lên rất nhiều thì Sở KH-ĐT nhận thấy việc giao hết toàn bộ bãi cát ven biển cho các khách sạn, resort quản lý là không phù hợp.

“Bởi vì những bãi cát ven biển là không gian sinh hoạt công cộng của người dân, cho nên cũng phải công bằng giữa người dân với các khách sạn. Vì vậy chúng tôi đề nghị cũng nên thu hồi các bãi tắm, bãi cát phía trước các khách sạn, resort để cho mọi người dân có quyền đi lại, sinh hoạt, tắm biển!” – ông Trần Văn Sơn nói.

Theo ông Trần Thọ, tình hình trước đây là như ông Sơn phản ánh, nhưng bây giờ đã khác. Cả vệt biển Đà Nẵng toàn là các dự án, trong khi trời nóng nực thế này người dân lại không có chỗ tắm, chỉ “nhét” vô vài bãi tắm ở khu vực Công viên Biển Đông, còn lại là các dự án quản lý hết, dân không tắm được. Do vậy ông yêu cầu Sở KH-ĐT cần nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho TP về vấn đề này, trao đổi với các nhà đầu tư để giành lại không gian biển cho người dân TP thụ hưởng.

Đại tá Nguyễn Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng bức xúc cho biết, nổi lên hiện nay là các dự án ven biển hầu như được giao cả mặt đất và mặt nước, điều mà trước đây ít có. Chính vì thế đã và đang dẫn tới tình trạng các dự án cát cứ, không cho dân tắm biển và đi qua khu vực dự án đó. Theo Đại tá Nguyễn Quốc Bình, các doanh nghiệp chỉ có thể được quyền sử dụng chứ không được quyền cát cứ, cấm đoàn người dân tắm biển, đi lại.

“Dân phản ảnh là đúng, bức xúc là đúng. Dân đi tắm biển, mấy ổng ngăn lại, thậm chí đuổi đi. Không lẽ tôi phải mặc quân phục để mấy ổng không được ngăn tôi à? Tôi là dân, mấy ổng ngăn tôi liền. Biển của dân chứ đâu phải của doanh nghiệp? Nên tôi đề nghị Sở KH-ĐT tham mưu cho TP rà soát, có biện pháp xử lý để các dự án chỉ được quyền sử dụng bãi biển nhưng không được quyền quản lý, không được cát cứ, không được ngăn cấm quyền đi lại, tắm biển của người dân. TP mở vài con đường xuống biển chưa đủ để hợp lòng dân đâu!” – Đại tá Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng Trần Văn Sơn, chỉ có một vài khách sạn, resort trước đây được Sở TN-MT đề xuất cho thuê bãi biển, còn sau này hầu như không cho thuê. Nhưng có một số dự án lợi dụng chuyện bãi tắm nằm trước dự án của họ để “tổ chức rứa thôi”, còn người dân có quyền đi tắm chứ không ai cấm chuyện đó. Nếu người dân bị cấm thì phản ảnh về UBND TP để có bộ phận quản lý bãi tắm xử lý.

Tuy nhiên đại biểu Huỳnh Phước cho rằng giải thích của Giám đốc Sở KH-ĐT là không ổn, vì chính bản thân ông có lần đi ngang một khu resort đã bị cấm, không cho đi. Ở các nước như Đức, Hồng Kông… khách du lịch và người dân tắm biển chung là bình thường. “Tất nhiên là có vấn đề an ninh, nhưng an ninh thì mình kiểm soát theo kiểu khác, chứ cấm dân đi qua lại dạo mát là không hợp lý. Nên tôi rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Bình” – đại biểu Huỳnh Phước nói.

Chốt lại vấn đề, ông Trần Thọ giao Giám đốc Sở KH-ĐT phối hợp với các ngành, địa phương rà soát hết đất ven biển, các bãi tắm mà hiện nay các doanh nghiệp đang quản lý. “Chỗ nào bất hợp lý, chỗ nào không phù hợp thì trình UBND TP để có biện pháp xử lý trên tinh thần “biển của Đà Nẵng thì người dân Đà Nẵng phải được thụ hưởng”, chứ không thể nói giao cho anh quản lý rồi anh chỉ phục vụ cho khách của anh, còn dân thì không được. Sở KH-ĐT phải xử lý việc đó sớm!” – ông Trần Thọ yêu cầu.

Hải Châu (Infonet)