Người biểu tình bên ngoài toà nhà quốc hội Hy Lạp tại Athens – Ảnh: Reuters.

Làn sóng bơm tiền vào nền kinh tế đã đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo ra tăng trưởng ở nhiều quốc gia, giảm tỷ lệ thất nghiệp và ngăn ngừa cơn hoảng loạn trên thị trường. 

Tuy nhiên những khoản nợ tồn đọng vẫn là gánh nặng đối với chính phủ của nhiều quốc gia. Chính phủ Hy Lạp đã phải nhiều lần kêu gọi chủ nợ cho gia hạn thời gian trả nợ. Trong khi đó vào chủ nhật vừa qua thống đốc Puerto Rico, một vùng lãnh thổ thuộc Mỹ, tuyên bố không thể trả các khoản nợ, theo The New York Times.

Hy Lạp và Puerto Rico đều là những trường hợp cực đoan. Tuy nhiên khi các công ty hoặc chính phủ vay nợ nhiều, điều tất yếu xảy ra là nền kinh tế trở nên trì trệ, như những gì đang diễn ra với Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Trung Quốc. 

Các nhà kinh tế nhận định ngân hàng trung ương của các quốc gia này và những cỗ máy in tiền của họ chẳng có mấy tác dụng trong việc giảm bớt gánh nặng nợ nần.

“Chính sách tiền tệ chỉ là một loại thuốc giảm đau. Nó không thể chữa khỏi căn bệnh”, nhà kinh tế trưởng Diana Choyleva của Lombard Street Research nhận định.

Nhiều quốc gia hiện đang ở trong tình thế chính phủ và các công ty đều lo sợ lãi suất tăng cao. Việc lãi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha và Italy tiếp tục tăng có thể khiến chính sách tài khoá của các nước này bị thắt chặt, theo Alberto Gallo, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tín dụng vĩ mô tại Ngân hàng Hoàng gia Scotland.

“Sự thắt chặt không tự nguyện này là điều mà ECB không hề mong muốn”, ông nhận định.

Ngay cả các nền kinh tế đang phát triển nhanh cũng dễ bị tổn thương. Nợ ở Trung Quốc đã tăng vọt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trong đó một phần là hệ quả của chính sách kích thích kinh tế của chính phủ. Hiện kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm hơn nhiều so với 10 năm trước. Điều này khiến chính phủ Trung Quốc phải theo đuổi các chính sách sát với thị trường hơn.

“Họ đã nhận ra rằng họ không thể tiếp tục như thế này và rằng chính sách tiền tệ không thể giải quyết tất cả các vấn đề,” bà Choyleva nhận định.

Nền kinh tế của các quốc gia có tổng nợ cao không hẳn đều trở nên mong manh. Chính phủ Mỹ vay mượn rất nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi, các khoản nợ này đều xử lý được, và một số nhà kinh tế cho rằng các khoản vay giúp thúc đẩy sự tang trưởng trở lại của kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích còn cho rằng vấn đề nợ của châu Âu là đặc biệt nghiêm trọng bởi đồng euro. Không giống như Nhật Bản và Mỹ, các nước sử dụng đồng tiền chung không thể đơn phương nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ giá đồng tiền nhằm kích thích tăng trưởng, và tăng trưởng sẽ giúp các quốc gia này dễ dàng trả nợ hơn.

“Hy Lạp cần hạ giá đồng tiền hơn hẳn phần còn lại của châu Âu và Hy Lạp không thể làm điều đó vì nó đã bị khóa vào phần còn lại của châu Âu”, nhà nghiên cứu Joseph E. Gagnon tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.

Ukraine cũng là một quốc gia đang đứng bên bờ vực bởi nợ nần. Hiện là một trong những nước chịu nhiều áp lực nhất từ các khoản vay nợ, Ukraine đang ngày càng tiến gần đến nguy cơ vỡ nợ. 

Các chủ nợ tiếp tục cho nước này vay mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chạm đáy, cùng với đó là một hệ thống chính trị và kinh tế tham nhũng và thiếu minh bạch. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalie Jaresko nhận định nguy cơ vỡ nợ của nước này “trên lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra.”

Diệu Minh (VnEconomy)