Sập “bẫy” quy hoạch, tiền mất, nợ mang

Theo người dân nơi đây, sau nhiều năm KDC phía Đông rạch Bà Cua rơi vào quy hoạch “treo”, cuối năm 2013, UBND P.Phú Hữu công bố khu vực này đã được chuyển thành KDC mới. Đầu năm 2014, trong khi các hộ dân đồng loạt hiến đất, góp tiền xây dựng KDC mới; đồng thời đóng tiền chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư để xây dựng nhà ở thì bất ngờ KDC bị đưa vào diện quy hoạch, giải tỏa, thu hồi. Trước quyết định bất ngờ này, gần trăm hộ dân nơi đây nước mắt lưng tròng.

Chỉ căn biệt thự bề thế một trệt, hai lầu được xây trên diện tích gần 1.000m2, chị Nguyễn Bạch Yến (nhà số 816/30/3 đường Nguyễn Duy Trinh) cho biết, sắp tới ngôi nhà sẽ bị giải tỏa để phục vụ dự án quy hoạch tạo quỹ đất đầu tư xây dựng đường Vành đai 2. Chị Yến không giấu được bức xúc: “Trước khi xây nhà, tôi đã thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định. Chính quyền cho phép tôi mới xây. Vậy mà nhà mới ở chưa đầy một năm lại sắp bị đập bỏ”. Tại văn bản trả lời chị Yến liên quan đến việc cung cấp thông tin quy hoạch, UBND Q.9 đã nêu rõ, thửa đất của chị thuộc quy hoạch đất dân cư xây dựng mới; nhưng khi nhà chị vừa xây xong, cũng là lúc quận thông báo chuẩn bị giải tỏa.

Để có tiền xây dựng căn nhà này, chị Yến đã gom góp toàn bộ vốn liếng hai vợ chồng tích góp gần cả đời và vay mượn thêm hơn ba tỷ đồng. “Sắp tới nhà tôi bị đập, hàng tháng vợ chồng, con cái tôi vẫn phải trả gần 30 triệu đồng tiền lãi. Ai hiểu được nỗi khổ này của tôi?” – chị Yến bật khóc.

Tương tự, vợ chồng ông Trần Minh Quang làm giáo viên, ky cóp đến khi về hưu được gần 600 triệu đồng. Khi biết thông tin KDC được xây dựng nhà ở, ông đã đóng ngay 250 triệu đồng chuyển thửa đất gần 400m2 của mình từ nông nghiệp sang thổ cư. Vay mượn thêm hơn 300 triệu đồng nữa, cộng với tiền còn lại, ông xây dựng căn nhà cho hai vợ chồng an hưởng tuổi già. Trong quá trình xây dựng, ông Quang đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định. Thế mà giờ đây, căn nhà của ông lại không thể hoàn công với lý do “dính” quy hoạch. Ông Quang lo lắng: “Tôi có làm gì sai đâu, vậy mà họ không cho tôi hoàn công để xin cấp giấy chủ quyền nhà. Sắp tới bị giải tỏa, nhỡ cơ quan chức năng không bồi thường căn nhà cho tôi thì sao?”.

Ngoài ra, theo người dân nơi đây, sau khi chính quyền địa phương thông báo khu vực này đã được chuyển thành KDC mới, các hộ dân đã đồng loạt hiến đất, góp tiền xây dựng hạ tầng giao thông KDC gồm: đường sá, điện, nước, chiếu sáng… để KDC khang trang, sạch đẹp hơn. Tính đến nay, người dân đã hiến tổng cộng hơn 6.600m2 đất và góp hơn 6,6 tỷ đồng làm hạ tầng giao thông. “Bao nhiêu công sức, đất đai, tiền bạc chúng tôi đã góp vào đây để làm cho bộ mặt KDC. Nếu sắp tới Nhà nước thu hồi bán đấu giá, chắc chắn giá trị KDC được nâng lên rõ rệt, liệu có công bằng với chúng tôi?” – một hộ dân đặt vấn đề.

Đường sá khu dân cư phía Đông rạch Bà Cua đã được người dân góp tiền đầu tư khang trang, sạch đẹp

Sở Tài nguyên-môi trường báo cáo sai thực tế?

Theo tài liệu chúng tôi có được, tại bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 KDC phía Đông rạch Bà Cua do Viện Quy hoạch xây dựng (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) lập vào năm 2013 ghi rõ: KDC phía Đông rạch Bà Cua thuộc đất nhóm nhà ở thấp tầng. Quy hoạch này đã được Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM thẩm định, UBND TP.HCM chấp thuận.

KDC rạch Bà Cua, hiện có tổng cộng 74 hộ dân với tỷ lệ đất ở lên đến 43,73%. Hạ tầng giao thông khu vực này gần như đã cơ bản hoàn chỉnh. Điều này được thể hiện trong biên bản nghiệm thu hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông gồm: đường sá, cống thoát nước, cấp nước sạch, điện, chiếu sáng… do chính UBND P.Phú Hữu và cán bộ Phòng Quản lý đô thị Q.9 xác nhận.

Thực tế là như vậy, nhưng không hiểu sao, Sở Tài nguyên – môi trường (TN-MT) lại có báo cáo trình UBND TP rằng, KDC phía Đông rạch Bà Cua chỉ có 5,96% đất ở; 23,93% đất giao thông và kênh rạch; còn lại là đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Có khoảng 59 hộ dân bị ảnh hưởng. Từ đó, Sở TN-MT đánh giá khu đất dự kiến thu hồi đa phần là đất nông nghiệp và kênh rạch, sẽ thuận lợi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng do chi phí bồi thường thấp và thời gian thu hồi triển khai nhanh, hiệu quả kinh tế cao trong việc tạo vốn xây dựng đường Vành đai 2. Mặt khác, việc tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư sẽ góp phần vào việc chỉnh trang đô thị.

Từ báo cáo trên, Sở TN-MT kiến nghị UBND TP thu hồi ba khu đất thuộc phường Phú Hữu, Long Trường và Trường Thạnh, Q.9, trong đó có KDC phía Đông rạch Bà Cua, P.Phú Hữu có diện tích khoảng 20ha.

Bên cạnh trách nhiệm của Sở TN-MT, còn có trách nhiệm của UBND Q.9. Được biết, báo cáo của Sở TN-MT có nhiều nội dung căn cứ vào văn bản số 1771/UBND do UBND Q.9 cung cấp về cơ cấu sử dụng đất cho Sở TN-MT. Từ các cơ sở trên, người dân đặt vấn đề: Phải chăng cán bộ UBND Q.9 và Sở TN-MT đã không đi thực tế khi phối hợp làm báo cáo gửi UBND TP, dẫn đến báo cáo sai, khiến UBND TP ra chủ trương thu hồi KDC.

Điều đáng nói, theo người dân, sau khi xảy ra sự việc, họ đã khiếu nại đến UBND TP. UBND TP đã có văn bản giao Sở TN-MT và UBND Q.9 xem xét giải quyết khiếu nại của người dân. Thế nhưng, khi người dân gửi đơn khiếu nại đến UBND Q.9 thì quận cho rằng vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP.

Ngày 20/6, trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Hồng Liên – Chủ tịch UBND Q.9 cho biết: “Hiện quận vẫn chưa kiểm kê, thu hồi đất của người dân. Quận đang giao Phòng TN-MT kiểm tra, rà soát toàn bộ số hộ dân, hồ sơ, chủ trương thu hồi đất… để báo cáo UBND TP”.

Phan Trí (Phụ nữ Tp)