Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) cho hàng loạt NH.
Nguồn: báo cáo tài chính năm 2014 của các NH – Dữ liệu: A.H. – Đồ họa: NHƯ KHANH
Nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng tín dụng lần này là nhằm đáp ứng nguồn vốn đang chảy mạnh vào sản xuất.
Theo danh sách vừa được NH Nhà nước công bố, được tăng tín dụng ở mức cao phần lớn là các NH nhỏ như NH Bảo Việt được tăng 36%, cao nhất tính đến thời điểm này. SeABank, Tiên Phong được tăng tín dụng ở mức 35%, Liên Việt Post Bank tăng 30%, Nam Á tăng 25%… NH quy mô lớn như Techcombank tăng mức 30%, VietinBank và Vietcombank được tăng tín dụng 16%…
Không cho vay đầu cơ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đức Thọ, tổng giám đốc VietinBank, cho biết NH sẽ tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Mảng bất động sản, tiêu dùng NH chỉ cho vay những cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thật sự chứ không cho vay đầu cơ.
“NH Nhà nước duyệt mức 16% nhưng cũng nói rõ sẽ xem xét diễn biến để quyết định mức tăng thế nào cho phù hợp. NH cũng chưa biết có sử dụng hết hạn mức 16% hay không nhưng có khả năng sẽ khai thác hết vì nhu cầu vốn doanh nghiệp hiện đã tăng so với 6 tháng đầu năm” - ông Thọ cho hay.
Còn theo lãnh đạo NH Nam Á, việc NH Nhà nước cho phép tăng 11% lên 25%, tương ứng khoảng 4.100 tỉ đồng, NH sẽ tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra NH cũng tập trung vào khách hàng nhỏ lẻ như cá nhân, hộ gia đình, tiểu thương, cho vay chợ, cho vay tiêu dùng nhỏ, trả góp…
Ông Nguyễn Đức Hưởng, phó chủ tịch thường trực HĐQT Liên Việt Post Bank, cho biết NH tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, các công trình thủy điện, giao thông. Trong khi đó lãnh đạo Techcombank lại cho rằng NH nhận thấy cơ hội tăng trưởng tín dụng trong hầu hết các ngành. Do vậy ngoài việc tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, Techcombank cũng coi bất động sản là động lực tăng trưởng tín dụng chính.
Lãi suất huy động có tăng?
Trước lo ngại việc nới chỉ tiêu tăng tín dụng lên mức cao có khiến các NH đẩy lãi suất (LS) huy động lên cao để thu hút vốn, lãnh đạo NH Nam Á cho biết nguồn vốn huy động của NH đạt hơn 22.000 tỉ đồng và NH vẫn tiếp tục bám sát tình hình thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp.
Ông Lê Đức Thọ cho rằng chỉ tiêu tín dụng tăng không có nghĩa LS huy động tăng lên. Tuy nhiên, nếu LS huy động có lên xuống chút ít thì không phải là vấn đề gì lớn, quan trọng là nằm trong giới hạn an toàn.
Còn đại diện Techcombank nói NH Nhà nước định hướng ổn định tỉ giá trong bối cảnh thâm hụt thương mại vẫn còn tiếp diễn, do vậy LS tiền đồng cũng chịu một số áp lực và sẽ khó giảm hơn nữa. Một số chuyên gia cho rằng nhân tố để duy trì LS ổn định là tỉ lệ lạm phát thấp.
Hiện mức tăng CPI đang thấp nhất trong vòng 13 năm, vì vậy khả năng LS huy động và cho vay trong năm 2015 sẽ được duy trì mặc dù nó có thể tăng nhẹ vào cuối năm.
Theo phó thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Phước Thanh, LS huy động sẽ khó bị đẩy lên cao vì các NH cũng phải tính toán đầu ra. Nếu LS đầu vào tăng lên quá cao, LS đầu ra tăng theo thì các NH sẽ gặp khó trong việc cho vay vì người vay sẽ chọn lựa NH có LS rẻ.
Nhìn ở góc độ tích cực hơn, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing, phân tích: 6 tháng đầu năm nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi mạnh. Việc nới hạn mức tín dụng cho các NH thương mại là để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Cũng theo ông Ngân, việc NH Nhà nước nới chỉ tiêu tín dụng cao cho các NH nhỏ do quy mô tín dụng của các NH nhỏ chỉ vài chục ngàn tỉ đồng nên nếu áp dụng chung một mức 13-15% thì những NH nhỏ không tăng được bao nhiêu.
Trước mắt dư nợ tăng thì nợ xấu sẽ giảm nhưng với điều kiện dư nợ cho vay mới phải đảm bảo chất lượng, chứ nếu cho vay không kiểm soát thì có thể làm phát sinh thêm nợ xấu trong tương lai. Đây là bài học các NH đã biết và được lưu ý rất nhiều.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết việc nới room là cần thiết trong lúc này và nền kinh tế đang hồi phục. Theo ông Hiếu, các NH đã học bài học trong quá khứ và chặt chẽ hơn trong quản lý rủi ro tín dụng.
Tín dụng tăng tất nhiên nợ xấu sẽ giảm, tuy nhiên các NH không vì mục tiêu giảm nợ xấu về mức 3% mà đẩy tín dụng lên cao vì mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3% chỉ tính trong hệ thống các NH. Các NH hoàn toàn có thể đẩy mạnh bán nợ cho VAMC để giảm tỉ lệ nợ xấu xuống.