Ông Lê Hùng Dũng (người ngồi thứ hai phía trong), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, với tư cách đại diện cổ đông lớn (nắm 9,7% cổ phần Sacombank), tham dự và phát biểu ủng hộ đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank.

Với tỷ lệ biểu quyết 93,71%, đại hội này đã thông qua đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank và dự kiến trong quý 4/2015 sẽ hoàn tất thủ tục sáp nhập.

Tại đại hội, đại diện Sacombank cho biết, ban lãnh đạo từng quan ngại về phản ứng của thị trường, sau khi công bố thông tin giao dịch sáp nhập. Tuy nhiên kể từ khi công bố thương vụ sáp nhập thì giá cổ phiếu STB của Sacombank diễn biến tích cực, giá và khối lượng tăng, lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài cao và chiếm đến hơn 70%.

Dù đồng thuận thông qua đề án trên, song một số cổ đông vẫn băn khoăn về tỷ lệ hoán đổi cổ phần giữa hai ngân hàng, cũng như nợ xấu của Southern Bank sẽ xử lý như thế nào?

Tỷ lệ hoán đổi được xác định: 1 cổ phần của Southern Bank sẽ hoán đổi thành 0,75 cổ phần của Sacombank.

Đồng thời, 1 cổ phần của cổ đông Sacombank tại ngày chốt danh sách để hoán đổi cổ phần khi sáp nhập sẽ nhận thêm 0,3875 cổ phần ngân hàng sáp nhập, bao gồm: cổ phần nhận thêm từ tỷ lệ chuyển đổi cổ phần Southern Bank (0,0875 cổ phần); trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2013 (0,080 cổ phần); trả cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2014 (0,120 cổ phần); thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ (0,0875 cổ phần) và từ thặng dư vốn cổ phần (0,0125 cổ phần).

Theo ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu được hai ngân hàng tính toán dựa trên giá tri sổ sách, giá trị thị trường.

Về vấn đề xử lý nợ xấu sau sáp nhập, theo cập nhật gần đây, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank ở khoảng 1,5%, còn của Southern Bank cuối tháng 12/2013 công bố là 3,39%. Tuy nhiên, báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố sáng 10/7/2015 dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho thấy, tỷ lệ nợ xấu thực tế tại Southern Bank tại 30/6/2012 là 45,6%, tháng 11/2013 lên tới 55,31%.

Trước thực tế này, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, dự tính trong 3 năm sẽ xử lý dứt điểm các vấn đề mà ngân hàng sau sáp nhập gặp phải, có thể kéo dài thêm 1-2 năm tùy tình hình nền kinh tế, chủ yếu là vấn đề tài chính từ Southern Bank.

Việc sáp nhập Southern Bank sẽ khiến dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng, nên Sacombank dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sáp nhập giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng), năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế), cùng giảm khá mạnh so với quy mô từ 2.800 – 3.000 tỷ đồng của Sacombank những năm gần đây.

Đổi lại, đại diện Hội đồng Quản trị Sacombank, cũng như lời phát biểu ủng hộ từ ông Lê Hùng Dũng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, đại diện phần vốn 9,7% tại Sacombank), cùng nhấn mạnh đến quy mô của ngân hàng sau sáp nhập.

Cụ thể, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ đạt trên 18.800 tỷ đồng, tổng tài sản trên 290.000 tỷ đồng, lọt vào top 5 ngân hàng thương mại Việt Nam, cũng như là thành viên duy nhất của khối cổ phần có đối trọng quy mô gần hơn với khối quốc doanh.

Sau sáp nhập, ngân hàng có 649 tổng số điểm giao dịch, trong đó có 112 chi nhánh và 526 phòng giao dịch trong nước và có 2 ngân hàng con cùng 9 chi nhánh ở nước ngoài; tổng nhân sự là 15.510 người.

Sacombank cho biết, dự kiến trong quý 3/2015 việc sáp nhập sẽ được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc và chính thức; sang quý 4/2015 sẽ xin lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu.

Tú Uyên (VnEconomy)