Bên trong một căn biệt thự ở Nga đang được rao bán với giá 110 triệu USD chưa có người mua. Ảnh: New York Times
Một biệt thư rộng 7.800 m2 với 9 phòng ngủ, 15 phòng tắm, ngự tại khu đất đắc địa bậc nhất Nga đang được rao bán với giá 110 triệu USD. Biệt thự có nhiều công trình đặc biệt phục vụ nhu cầu gia đình như gara 16 chỗ, bể bơi bên trong và ngoài nhà, rạp chiếu phim, hầm rượu, bàn ăn dành cho 22 người, phòng nha cá nhân, hệ thống phát nhiệt làm tan tuyết. Gia chủ sẵn sàng chấp nhận bán với mức giá khoảng 88 triệu USD, nhưng khối bất động sản này vẫn không nhận được nhiều sự quan tâm sau một năm rao trên thị trường.
Giá dường như quá cao. Tuy nhiên, chính địa điểm xây ngôi biệt thự làm nên toàn bộ giá trị của nó, theo New York Times. Với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev chỉ sống cách đó vài km, khu vực này luôn có các nhân viên mật vụ canh phòng ngày đêm và không bao giờ xảy ra tình trạng cướp giật.
Khu Rublovka từ lâu đã trở thành nơi ở của các tầng lớp tinh hoa trong xã hội Nga. Những lãnh đạo chính trí, siêu sao giải trí, diễn viên hay nhà làm phim nổi tiếng đều tìm tới đây để sinh sống. Vào ngày cảnh sát không cấm đường để hộ tống Tổng thống Putin đi làm, người ta chỉ mất khoảng 40 phút lái xe tới trung tâm Moscow. Rublovka được xem như một cộng đồng dân cư khép kín của những người giàu có với khiếu thẩm mỹ đa dạng.
Nhưng nước Nga đang trải qua một đợt suy thoái nghiêm trọng. Vì phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt cùng các đòn phong tỏa, kìm kẹp từ phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine nên nền kinh tế chao đảo. Giá dầu sụt giảm, đồng ruble lao dốc, lạm phát tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao. Tình hình ảm đạm khiến nhiều người Nga, ngay cả những thành phần siêu giàu, cũng phải đóng hầu bao, thắt chặt chi tiêu.
Tổng thống Putin tuyên bố “chúng ta đã bình ổn được tình hình, giải quyết những biến động trong ngắn hạn và đang tự tin từng bước vượt qua khó khăn”. Song, những diễn biến trì trệ trên thị trường bất động sản ở Rublovka lại cho thấy một bức tranh khác.
Giới chuyên gia nhận định một bộ phận người bán đang lâm vào tình trạng thâm hụt trầm trọng hoặc có dự định di cư ra nước ngoài nên muốn bán tháo nhà để gom tiền về một mối. Trong khi đó, người mua lại không muốn nhắm tới những khối bất động sản giá trị cao như ở khu Rublovka.
“Người ta không tin rằng có thể sớm thu hồi vốn vì thế họ tránh đầu tư vào lúc này”, NYT dẫn lời Leonid Krongauz, người sáng lập một công ty bất động sản lớn của Nga, cho biết. Ông này cũng đang gặp khó khăn trong việc bán một ngôi biệt thự hơn trăm triệu đôla. “Bất ổn kinh tế, chính trị khiến mọi người xa rời thị trường bất động sản”, ông nói thêm.
“Tôi biết rất nhiều người, thậm chí từ tầng lớp trung lưu, đang tìm cách đầu tư ra nước ngoài như Bulgaria, vùng Baltic hay Montenegro”, nhà kinh tế Evgeny Gontmakher, cho hay. “Ở hiện tại, bán nhà Rublovka, lấy tiền rót vào các thị trường bên ngoài và chuyển đến nơi khác sống là một lựa chọn an toàn”.
Theo ông Alexander Kulikov, 53 tuổi, chủ của hàng loạt doanh nghiệp lớn, mùa thu năm ngoái, sau khi đồng ruble rớt giá và các lệnh trừng phạt từ phương Tây khiến chi phí huy động vốn tăng cao, nhiều doanh nhân phải vay tiền với lãi suất cắt cổ, chấp nhận kinh doanh không có lãi, hoặc thậm chí là lỗ, chỉ để duy trì hoạt động của công ty.
“Trước đây, chúng tôi thảo luận về việc tình hình kinh tế còn có thể xấu đến đâu. Nhưng nay, các cuộc nói chuyện như vậy cũng dần biến mất. Chúng tôi lại bắt đầu tán gẫu về phụ nữ”, Kulikov nói về việc giới doanh nhân lảng tránh đề cập tới các vấn đề kinh tế.
Bám trụ bất chấp khó khăn
Thói quen tiêu xài tiền của người dân cũng thay đổi. Một giám đốc điều hành người Nga đang làm việc cho công ty kinh doanh xa xỉ phẩm của Mỹ cho hay giới nhà giàu hiện không còn chấp nhận chi số tiền lớn gấp ba lần bình thường để mua một chiếc nhẫn kim cương nhập khẩu chỉ vì thuận tiện. Điều này trước đây là hoàn toàn bình thường.
“Một ngôi nhà 50 triệu USD ở Rublovka hiện chỉ còn có giá 25 triệu USD, hay một căn khác 8 triệu USD nay rớt giá còn 3 triệu USD”, Ekaterina Rumyantseva, chủ tịch một công ty môi giới bất động sản, nói. “Thị trường nhà đất tồn kho quá nhiều”.
Vào giai đoạn bùng nổ, khoảng từ năm 2010 đến 2011, công ty của bà Rumyantseva có thể dễ dàng bán 100 căn nhà một năm, nhưng hiện tại lượng tiêu thụ giảm tới một nửa, thậm chí chỉ còn 1/3.
Tuy nhiên, không ít người vẫn tỏ ra lạc quan, bám trụ lại Rublovka và hết mình ủng hộ Tổng thống Putin. Họ chưa bao giờ có ý định rời đi. “Tình trạng hiện nay khiến tôi thấy tương đối bất tiện”, Boris I. Chirkov, 77 tuổi, chủ một công ty viễn thông, cư dân Rublovka, chia sẻ. “Ngày trước, chúng tôi có phô mai feta từ Hy Lạp. Nhưng nay, Belarus là nước cung cấp chúng. Chất lượng không còn được như xưa nhưng tôi có chết vì điều đó không? Chắc chắn là không rồi. Tôi chưa thấy ai chết bởi những lệnh trừng phạt cả”.
Ông Putin đã rất thành công trong việc động viên, khích lệ người dân chịu đựng những khó khăn nhất thời bằng cách đánh vào tinh thần dân tộc rất cao của công chúng.
“7 trên 10 người Nga khẳng định sẵn sàng sống trong khốn khó còn hơn là phải chịu những áp lực từ Mỹ”, Konstantin V. Remchukov, biên tập viên của nhật báo The Nezavisimaya, nói.
Ông Kulikov là người thường xuyên tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, khi hàng bị cấm, ông và những người hàng xóm ở khu Rublovka chuyển hẳn sang dùng hàng Nga, thậm chí cả rượu vang Nga.
“Chúng có thể không ngon bằng thứ rượu của Pháp hay Italy mà chúng tôi thường uống, nhưng chúng có mùi vị của lòng yêu nước”, ông Kulikov kết luận.