Dự án ở nhiều nơi
Khác với nhiều địa phương trong cả nước, Bình Dương có nhiều lao động nhập cư. Vì thế, tỉnh đã có chủ trương xây nhà ở xã hội cho số lao động nhập cư này. Năm 2015, Bình Dương có 1.050.021 lao động có nhu cầu về nhà ở, trong đó số lao động tỉnh khác vào Bình Dương để làm việc là 724.514 người và khoảng 325.507 người là lao động trong tỉnh.
Theo đề án Xây dựng nhà ở an sinh xã hội Becamex giai đoạn 2011 – 2015 của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Becamex IDC, 37 dự án nhà ở xã hội sẽ được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu này cho tỉnh.
Số lượng nhiều nhất là dự án nhà ở xã hội ở khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bến Cát với các khu: 1, 2, 3, 4a, 4b, 4c, 5a, 5b, 6. Tổng diện tích đất xây dựng 404.936m2, với 18.300 căn hộ. Dự kiến sức chứa lên đến 48.247 người.
Cũng ở huyện Bến Cát, các khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3, Thới Hòa cũng có các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, khu công nghiệp Mỹ Phước 1 sẽ xây dựng 5.291 căn hộ (3 khu, 13.353 người); Mỹ Phước 2: 1.019 căn hộ (1 khu, 2.548 người); Mỹ Phước 3: 7.036 căn hộ (4 khu, 17.594); Thới Hòa: 2.484 căn (1 khu, 6.960 người).
Khu nhà ở xã hội Becamex tại khu công nghiệp Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát, Bình Dương vừa hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều công nhân ở khu công nghiệp này lại chưa biết đến các chính sách thuê, cho thuê ở đây. Ảnh: TT
Tại thành phố Thủ Dầu Một, 4 dự án: Hòa Lợi, Định Hòa 1, 2, 3 sẽ được xây dựng 9.345 căn hộ cho 24.332 người. Ngoài ra, khu định cư Việt Nam – Singapore cũng đã khởi công 7.241 căn hộ, phục vụ 18.859. Tại Dĩ An, 4.572 được xây dựng trong 2 dự án khu 1, 2 cho 11.910 người. Tại huyện Tân Uyên, dự án nhà ở xã hội tập trung tại khu công nghiệp VSIP II mở rộng với 6 dự án, 9.419 căn hộ với 23.544 người.
Theo tính toán, Becamex IDC thực hiện 37 dự án xây dựng nhà ở xã hội với tổng 64.707 căn hộ chung cư trên diện tích đất khoảng 200 hecta. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 10.830 tỷ đồng.
Đơn vị này vừa bản giao 5.000 căn hộ cho người dân và tiếp tục giai đoạn 2 với 10.000 căn hộ. Theo tính toán của Becamex, số lượng căn hộ này mới chỉ đáp ứng 2,48% nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn tỉnh.
Ai được ở nhà ở xã hội?
Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng Tổng Công ty Becamex Bình Dương nhận định đời sống công nhân ở các vùng ngoại vi TP.HCM như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Chánh, Thủ Đức… ở những căn nhà trọ ngang ngửa với cuộc sống của dân châu Phi. “Tôi đi tham quan buổi trưa, mái tôn lửng nóng như vậy mà người ta vẫn cứ nằm giống như mình đi vào sauna không khác gì. Mức độ sống phải nói là cùng cực. Tôi có thể kết luận, cuộc sống như vậy hoàn toàn như những khu ổ chuột ở châu Phi hoặc Ấn Độ”, ông Nguyễn Hồng Hải kể.
Sau khi bàn giao nhà ở xã hội, “Bây giờ, nhiều người đã vào ở vì phù hợp với túi tiền của họ. Có nhiều căn hộ còn được người nước ngoài thuê”, ông Hải cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, cho biết giá trung bình chung cư 5 tầng ở Bình Dương dao động 3 – 5 triệu đồng/m2, 8 triệu đồng/m2 đối với chung cư 12 tầng. Điều này phù hợp với túi tiền của nhiều người thu nhập thấp.
Tỉnh Bình Dương đã đề ra các tiêu chí cho đối tượng được sở hữu nhà ở xã hội. Theo đó, các đối tượng sau được mua nhà ở xã hội: Cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân trong các khu công nghiệp; các đối tượng đã trả lại nhà công vụ; học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; những người thật sự có nhu cầu về nhà ở (không chấp nhận đầu cơ) và phải có việc làm ổn định.
Ngoài các đối tượng theo quy định được mua nhà ở xã hội, người lao động tạm trú ở Bình Dương ít nhất 6 tháng và có 10% trả tiền trước cũng được mua căn hộ.
Người dân thờ ơ
Mặc dù được cho là phân khúc hấp dẫn và thuận lợi khi mua nhà ở xã hội ở Bình Dương. Tuy nhiên, khi đi thực tế, chúng tôi lại nhận được những câu lắc đầu từ công nhân.
Trước khu công nghiệp Mỹ Phước 1, rất nhiều nhà trọ giá rẻ được xây dựng liền kề nhau. Vợ chồng anh Hiệp làm công nhân cho công ty may đang ở phòng trọ 12m2 và một gác lửng (giá 800.000 đồng/tháng, điện: 2.500 đồng/kwh, nước 8.000 đồng/m3) nói có biết khu nhà ở xã hội Becamex vừa hoàn thành trên đường D18. Tuy nhiên, anh chị lại không biết thủ tục thế nào. Khi được hỏi nếu chọn ở nhà ở xã hội trên tầng cao, anh Hiệp lắc đầu ngầy nguậy: “Không ở đâu. Ở trên cao bất tiện lắm!”.
Tương tự, gia đình anh Chiến (quê An Giang) ở gần đó đang phải ở trong căn phòng trọ ẩm thấp giá 700.000 đồng/tháng với 4 người cũng chưa nghe nói đến việc có chương trình nhà ở xã hội dành cho công nhân. “Chưa nghe nói bao giờ vì tụi tui tối ngày đi làm nên không có biết gì hết!”, anh Chiến chia sẻ.
Anh Nhi, chủ một khu nhà trọ cho biết, trước khu công nghiệp Mỹ Phước 1 có hàng ngàn nhà trọ giống như nhà anh. Giá thuê từ 700.000 – 1.200.000 đồng/tháng tùy theo diện tích. “Tui có biết dự án nhà ở xã hội nhưng sẽ không đáp ứng nhu cầu của công nhân đâu. Chắc chắn, những dãy trọ như khu tui sẽ vẫn là lựa chọn cho nhiều công nhân trong thời gian tới”, anh Nhi phân tích.
“Tui nghĩ, nhà nước nên phổ biến rộng rãi những điều kiện cũng như hình thức thuê, mua nhà ở xã hội ở đây cụ thể để công nhân nắm rõ. Từ đó, chúng tôi mới mạnh dạn đăng ký thuê hoặc mua nhà ở xã hội”, một công nhân đề nghị.