Các chuyên gia quản lý đô thị lo ngại, nếu không kiểm soát chặt chẽ, trong tương lai gần, áp lực hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội sẽ rất lớn.
Quá tải dân cư trong ngõ hẹp
Giá trị đất đai tại các quận nội thành Hà Nội lớn nên “hấp lực” về kinh doanh BĐS rất lớn. Tuy nhiên, vốn tài nguyên đất lại chưa được sử dụng hợp lý, bởi trong khi, hàng ngàn hộ dân sống trong khu vực trung tâm đã và đang vất vả tìm chỗ ở, thì nhiều lô đất “vàng” lại dùng để “nuôi cỏ”. Chẳng hạn, Dự án chung cư hạng sang tại 131 Thái Hà được khởi công từ năm 2008, cao 17 tầng do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng và Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng làm chủ đầu tư, song đến nay, vẫn chưa hoàn thiện. Nghịch lý ấy đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng, khiến dư luận búc xúc, trong những cuộc tiếp xúc cử tri, đều có kiến nghị giải quyết, nhưng cũng chưa thành.
Dự án Hongkong Tower triển khai trong ngõ.
Những diện tích đất có thể xây dựng được chung cư cao tầng ở mặt các tuyến phố đều đã có chủ, nên nhiều chủ đầu tư tìm kiếm các khu đất có diện tích nhỏ hơn trong ngõ. Một loạt dự án BĐS nhanh chóng được khởi công nằm trong những con ngõ chật hẹp, giữa khu dân cư đông đúc. Đơn cử, Dự án Hongkong Tower được xây tại một ngõ đường Voi Phục, gần trường Đại học Giao thông Vận tải, nhưng lại được quảng cáo rầm rộ nằm ngay mặt đường La Thành. Bằng chiêu thức ấy, dự án này được nhiều kênh mua bán BĐS rao bán là chung cư cao cấp với giá ngất ngưởng từ 35 – 40 triệu đồng/m2. Tương tự, dự án chung cư 170 Đê La Thanh của GP Invest, rồi Nàng Hương trên đường Nguyễn Trãi… cũng đều có điểm chung được quảng cáo nằm sát đường lớn, nhưng thực chất phải đi sâu vào ngõ nhỏ. Điều đáng nói, giá của các dự án này lại không thấp (30 – 31 triệu đồng/m2) ngang ngửa với các dự án chung cư có mặt tiền đẹp.
Chính quyền địa phương “chịu trận”
Theo các chuyên gia, việc phê duyệt ồ ạt dự án chung cư cao tầng ở khu vực đông dân cư mà cơ sở hạ tầng không được đầu tư đồng bộ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo thông tin từ dự án, chung cư Hongkong Tower bao gồm hai tòa tháp với tổng số 260 căn hộ. Khi đưa vào sử dụng kéo theo hàng ngàn nhân khẩu mới về sinh sống, tạo ra nhiều áp lực về giao thông trên con ngõ nhỏ Voi Phục. Người mua nhà tại dự án Nàng Hương, quận Thanh Xuân cũng phải đi chung qua ngõ 583 Nguyễn Trãi chật hẹp, nguy cơ ngõ này bị ùn tắc vào giờ cao điểm là khó tránh. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án này đều có diện tích đất eo hẹp nên hệ thống thoát nước, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải… cũng không được đảm bảo. Đặc biệt, vấn đề khiến các cư dân ở chung cư trong ngõ lo ngại đó là an toàn cháy nổ, khi hỏa hoạn xảy ra sẽ không có lối thoát.
Việc nhiều chủ đầu tư được phép xây các chung cư cao tầng tại các ngõ nhỏ, hay các tuyến đường hẹp tạo áp lực lớn cho hạ tầng chính là sự hạn chế trong công tác phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng. Ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Do các chủ đầu tư đặt yếu tố lợi nhuận lên trên hết nên tình trạng “tiện đâu xây đấy” đã và đang diễn ra là trái với lý luận quy hoạch từ xưa đến nay. Cho nên, phải xử lý nghiêm minh từ người cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch và chủ đầu tư nếu dự án gặp sự cố, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân”.
Trong điều kiện như hiện nay, nếu không có giải pháp về cơ chế đủ mạnh nhằm ràng buộc trách nhiệm các chủ đầu tư, thị trường BĐS Hà Nội sẽ đối diện với sức ép ngày càng lớn về việc mất cân đối. Bởi có nhiều dự án ở xa trung tâm khó bán hàng thì các dự án trong các quận dù trong ngõ hẹp, đường xá đi lại khó khăn vẫn “cháy hàng” và các chủ đầu tư đua nhau xin dự án xây trong nội thành. Do đó, nếu không có cơ chế đủ mạnh và định hướng quy hoạch tốt, thị trường BĐS sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng DN hưởng lợi, còn chính quyền “chịu trận” trước sức ép về hạ tầng, ùn tắc và dân số tăng vì không quản lý nổi.