Chị Miền dẫn PV đi khảo sát khu tập thể H36.
Cứ đến mùa mưa bão, chính quyền địa phương lại lên phương án sơ tán dân để tránh gây nguy hiểm. Nhưng sau trận giông lốc bất ngờ quét qua Hà Nội mới đây, một lần nữa người dân lại đặt ra câu hỏi: Liệu phương án cứ đến mùa mưa bão mới di dời, sơ tán có thực sự tối ưu và đảm bảo được tính mạng và tài sản của những người dân ở đây?
Nguy hiểm rình rập
Khu tập thể H36 ở phường Xuân La, quận Tây Hồ được xây dựng từ năm 1983 của thế kỉ trước, bao gồm dãy nhà cấp 4, nhà 2 tầng, do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp H36 xây cho công nhân viên ở. Với mục đích ban đầu chỉ là những dãy nhà tạm cho công nhân viên có nơi sinh hoạt, trú mưa, tránh nắng, sau hơn 30 năm sử dụng, hầu hết các ngôi nhà ở đây đã bị hư hỏng nặng, các trần, dầm, cột liên tục bị bong, lở, trơ lại từng mảng sắt thép hoen rỉ. Tình trạng này không phải mới ngày một ngày hai mà đã diễn ra nhiều năm nay. Đại diện cho các hộ dân sinh sống ở đây cũng có đơn kêu cứu khẩn cấp, văn bản đề nghị đến các cấp chính quyền sắp xếp lại nhà ở theo phương án mà các hộ dân đã thống nhất với chủ đầu tư. Ngày 30.6, UBND quận Tây Hồ đã ủy quyền cho phòng Quản lý – Đô thị tổ chức buổi họp bàn về giải quyết đơn kêu cứu của các hộ dân sống ở khu tập thể H36 nhưng vẫn chưa thể tìm ra giải pháp giúp dân tháo gỡ khó khăn.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động & Đời sống, ông Hà Quang Đoạt – Bí thư Chi bộ 7 phường Xuân La – cho biết: “Dãy nhà KTT H36 được xây dựng từ những năm 1983, đến nay đã quá xuống cấp, không còn khả năng chịu tải được những trận mưa to, gió lớn và bão tố ập về, trong khi số lượng nhân khẩu sinh sống ngày một đông. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, chúng tôi đã đề đạt ý kiến, nguyện vọng chính đáng của bà con nhân dân tới lãnh đạo quận Tây Hồ, TP.Hà Nội và đều được các đồng chí nhiệt tình ủng hộ”.
Phóng viên đã đến thực tế khu nhà này và gặp chị Miền. Chị chia sẻ: “Cuộc sống của các hộ dân ở đây khổ lắm. Mấy chục hộ dân đi chung một nhà vệ sinh công cộng, trận giông lốc gần đây đã làm đổ hoàn toàn một bức tường che chắn của khu vệ sinh. Những năm gần đây, chúng tôi luôn sống trong nơm nớp lo sợ vì nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Ngày 2.6, gia đình nhà anh Đắc ở dãy nhà 7 gian đã sập toàn bộ trần bêtông. Rất may, thời điểm xảy ra đã muộn, cả gia đình đã đi nghỉ nên không thiệt hại về tính mạng.
Hầu hết những hộ dân sinh sống ở đây đều có cuộc sống khá khó khăn. Mặc dù không ít người ở đây đã nghỉ hưu, đã lên chức ông chức bà nhưng họ vẫn phải “gạo chợ, nước sông” để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đáng thương nhất là tình cảnh của hai cô thanh niên xung phong đơn thân là Nguyễn Thị Nhâm (SN 1949) và cô Tạ Thị Hưng (SN 1951). Bước vào căn phòng của hai cô, hơi nóng ngột ngạt của căn phòng phả vào mặt chúng tôi, tài sản đáng giá nhất là chiếc tivi cũ. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt của cô Nhâm, cô cho biết: “Hai cô phải ở ghép trong một gian rộng chưa đến 18m2, đun nấu sinh hoạt, ăn, ngủ ở trong này. Còn tắm thì đi nhờ vào khu vệ sinh công cộng. Khổ lắm, cứ mưa là dột, chậu để hứng xếp la liệt khắp phòng, còn nắng thì nóng khủng khiếp. Không biết những người dân ở khu tập thể này còn phải sống như này đến bao giờ nữa?”.
Ông Hà Quang Đoạt – Bí thư Chi bộ 7 – trao đổi với PV.
Người dân trông chờ vào sự quan tâm của chính quyền
Được biết, dự án “Khu nhà ở tái định cư và kinh doanh” đã có từ năm 2004 với mục đích xây dựng lại khu tập thể đã bị xuống cấp. Tuy nhiên, dự án đã bị ngừng trệ do chưa thỏa thuận được với dân về phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư. Sau hơn 10 năm, chủ đầu tư (Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp H36) cũng đã kiên trì đàm phán, thỏa thuận với các hộ dân về phương án sắp xếp chỗ ở, tạm thời đã thống nhất được 100%.
Trong khi các hộ dân đang phấn khởi thực hiện phương án sắp xếp chỗ ở tại chỗ do chủ đầu tư đưa ra thì bà Vũ Thị Kim Dung – một người dân sống ở KTT H36 – gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng về việc sắp xếp lại chỗ ở cho các hộ dân ở khu tập thể, mặc dù trước đó gia đình bà Dung đã đồng thuận và ký vào biên bản họp tổ dân phố. Từ lá đơn của bà Dung, chính quyền địa phương vào kiểm tra lập biên bản, ra quyết định đình chỉ, cưỡng chế với lý do có đơn thư khiếu nại và xây dựng không có giấy phép.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại KTT vẫn trong tình trạng ngổn ngang, đã có 11 căn nhà mới được sắp xếp gọn gàng, một số bị dỡ, một số móng nhà đang làm dở dang thì bị đình chỉ. Dãy nhà hai tầng đã quá cũ nát, tường lở, gạch bong tróc, bêtông chịu lực trơ cả sắt rỉ, cầu thang sập xệ… Anh Nguyễn Văn Hùng – đại diện cho 60 hộ dân trong KTT H36 – chia sẻ nguyện vọng: “Chúng tôi đề nghị các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ dân ở đây được sắp xếp lại nhà ở theo phương án chủ đầu tư đã phê duyệt”.
Không chỉ anh Hùng, mà rất nhiều người dân ở đây đều có mong muốn đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm tạo điều kiện, tìm giải pháp tối ưu để tháo gỡ khó khăn, cho phép các hộ dân tiếp tục sắp xếp chỗ ở để sớm ổn định cuộc sống, tránh những nguy hiểm đang rình rập, nhất là khi mùa mưa bão và giông lốc bất ngờ ập đến như hiện nay.