Về phần mình, đáp lại sự nghi ngờ về năng lực và kinh nghiệm trong nghề BĐS, công ty CP Đầu tư và XNK Mỹ Sơn của ngày hôm nay đang thể hiện tầm vóc và quy mô vượt trội so với 1 năm trước. Nhưng, đó chỉ là bề nổi…

Hết hàng từ… nửa năm trước

Một năm trước, khi mới thi công tới sàn tầng hầm 2, dự án được Đất Xanh Miền Bắc và Liên minh sàn G5 chung tay mở bán rầm rộ với giá từ 21 – 24 triệu đồng/m2 (gồm VAT và nội thất). Quy mô 22 tầng nổi, 2 tầng hầm, gồm tổng cộng 340 căn cao cấp, vị trí đắc địa, thiết kế hiện đại… Mỹ Sơn Tower tới tháng 12/2014 ghi nhận bước giá vào khoảng 25 – 26 triệu đồng/m2 trên thị trường thứ cấp. Đối chiếu với mức giá gốc lần lượt sau 2 đợt mở bán (từ 21,7 và 23,2 triệu đồng/m2), có thể thấy sức hút mạnh mẽ của sản phẩm căn hộ do công ty Mỹ Sơn tạo lập.
Tìm hiểu nguồn bán hàng hiện tại, G5 và Đất Xanh Miền Bắc vẫn lưu giữ các thông tin từ thời điểm mở bán trước. Đặt vấn đề mua căn hộ tại dự án hội tụ các yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, hạ tầng, giao thông, người viết chỉ nhận được lời khuyên “không nên xuống tiền”dù để ở hay để cho thuê, đầu tư.
Theo T. (nhân viên sàn giao dịch Maxland, thành viên Liên minh G5), Maxland hiện không còn đơn hàng của dự án 62 Nguyễn Huy Tưởng (hiện chỉ tập trung cho dự án Thăng Long Victory). Còn P, (cũng thuộc “quân số” Maxland) khẳng định “bên em đã chuyển sang bán dự án khác. Bên Maxland hiện chỉ nhận mua đi bán lại, còn mua trực tiếp từ chủ đầu tư thì đã hết hàng”.

Mỹ Sơn Tower đã qua thời kỳ “hái quả” của dân đầu tư?!

Trước thái độ nhiệt tình của người viết đối với căn diện tích 80m2, nhân viên Maxland hứa hẹn sẽ tìm nhà đầu tư cần bán. Tuy nhiên, giá mua căn hộ (từ các chủ nhân cũ) rất cao: khoảng từ 26 – 28 triệu đồng/m2. Đợt cuối, giá tim tường căn hộ nhỏ đã là 25 – 27 triệu đồng/m2…


Tiếp tục liên hệ với môi giới tên C.P (Đất Xanh Miền Bắc), thông tin về sản phẩm căn hộ Mỹ Sơn Tower cũng không có gì khác. “Hết hàng từ nửa năm trước rồi anh ạ. Chỉ còn suất mua lại của nhà đầu tư với giá khoảng 29 triệu đồng/m2. Dự án sắp cất nóc và dự kiến cuối năm nay nhận nhà…”. Điểm chung, người của Đất Xanh Miền Bắc lẫn Maxland đều phân tích về nhược điểm khó chấp nhận của Mỹ Sơn Tower (nhằm hướng khách hàng đầu tư vào dự án khác). Đơn cử, cấu trúc quy mô của dự án 62 Nguyễn Huy Tưởng chỉ là một block nhà, không có khuôn viên, không gian sinh hoạt cộng đồng. Cộng thêm yếu tố 4 tầng thương mại, dịch vụ ở chân đế… dẫn tới hạ tầng, tiện ích không gian của dự án bị quá nhiều điểm trừ.

Quy mô khủng và… nợ đồng lần

Tham khảo qua một số sàn giao dịch nhận bán hàng thứ cấp của Mỹ Sơn Tower, hầu hết đều là suất căn hộ được nhà đầu tư gửi bán từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ căn hộ bán được cho khách mua lại rất thấp, bởi người mua để ở đã nhận rõ khuyết điểm dự án. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang “chết dở” tại đây – Công Sơn, nhân viên văn phòng nhà đất ở Cầu Giấy phân tích.
Tham chiếu từ lực lượng bán hàng, có thể coi Mỹ Sơn Tower đã qua thời kỳ “hái quả” của dân đầu tư. Đồng thời, các đơn vị bán hàng trung gian cũng không còn mặn mà với căn hộ cao cấp tại 62 Nguyễn Huy Tưởng.
Về phần chủ đầu tư, công ty Mỹ Sơn đang thể hiện quy mô rất đáng nể. Trên website mysongroup.vn, Mỹ Sơn quảng bá lĩnh vực kinh doanh bao gồm: BĐS và đầu tư, mỹ phẩm cao cấp, dịch vụ truyền thông, luyện kim khai khoáng… Đáng chú ý, trong danh sách các đơn vị công ty thành viên của Mỹ Sơn, một số DN mang quy mô rất đáng nể. Đơn cử, công ty TNHH Bình Minh Sơn Hà (sản xuất, kinh doanh xăng sinh học) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng; công ty CP Hội chợ triển lãm Mỹ Sơn Expo (700 tỷ đồng).


Ở mảng mỹ phẩm cao cấp, Mỹ Sơn Group tham gia làm đại lý độc quyền phân phối các sản phẩm của Lifeline thông qua pháp nhân Mỹ Sơn IEI. Tuy vậy, tháng 4/2015, 3 loại mỹ phẩm do công ty Mỹ Sơn phân phối (thương hiệu Lifeline) bị Cục Quản lý Dược yêu cầu thu hồi và phải gửi thông báo thu hồi tới các nơi phân phối. Lý do, nhãn sản phẩm ghi thành phần công thức có chứa chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm, sản phẩm lưu hành có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố. Dẫu vậy, khi tìm hiểu qua nguồn tin tuyển dụng nhân viên kinh doanh mỹ phẩm (trên trang mysongroup.vn), nhân viên của Mỹ Sơn lại giải thích: Do bên hãng Lifeline không muốn công ty làm đại lý phân phối nữa nên hết hàng để bán, DN chưa có kế hoạch tuyển dụng thêm.


Trở lại với dự án Mỹ Sơn Tower, với quy mô và mảng ngành nghề mở rộng, khả năng về đích của dự án lẫn bảo đảm pháp lý sở hữu cho khách hàng mua nhà gần như tuyệt đối. Nhưng mới đây, dự án cao cấp này bất ngờ xuất hiện trong danh sách các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, theo Cục Thuế Hà Nội, tính đến hết 31/3/2015, dự án còn nợ hơn 56 tỷ đồng tiền sử dụng đất (được gia hạn nhưng quá hạn không nộp). Đây cũng là số nợ tính đến hết 31/12/2014 mà dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ dù đã được gia hạn…


Sức mạnh (theo quảng cáo) và thực tế năng lực của chủ đầu tư Mỹ Sơn đang là dấu hỏi lớn với dư luận. Còn với khách hàng đã trót “xuống tiền” vào căn hộ dự án, mối lo ngại về việc chậm bàn giao chứng nhận sở hữu, thậm chí dự án bị thu hồi (trong trường hợp công ty Mỹ Sơn mất khả năng trả nợ) đang hình thành từng ngày. Dự báo, làn sóng “bán cắt lỗ” tại dự án sắp thành hiện thực.

Nguyễn Cảnh (TBKD)