“Giao các sở, ngành rà soát cơ sở pháp lý, tình hình giải phóng mặt bằng, quy hoạch tại dự án tòa nhà Hữu nghị Việt Nam – Slovakia ở 31 Lê Duẩn, quận 1” – UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo.
Tại cuộc họp mới đây, TP cũng khuyến nghị: Nếu muốn đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư có thể thực hiện trước dự án trên diện tích 1.700 m2 sẵn có của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM (do sau đó dự án được mở rộng thành 4.033 m2 nên phát sinh khiếu nại của người bị thu hồi đất). Sở Quy hoạch – Kiến trúc được giao nhiệm vụ báo cáo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho cả hai trường hợp: Thực hiện dự án trên phần diện tích đất 1.700 m2 và trên diện tích đất 4.033 m2.
Trước đó, Công ty CZ Slovakia, chủ đầu tư dự án, gửi một số văn bản tới UBND TP bày tỏ lo lắng về tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Công ty này kiến nghị TP cho biết khó khăn trong việc thu hồi đất là gì, có ảnh hưởng đến việc đầu tư hay không, khi nào TP xong khâu bồi thường và bàn giao khu đất, khi nào công ty có thể ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT… Công ty CZ Slovakia cho hay sắp tới sẽ có đại diện từ Slovakia sang TP.HCM và xin gặp lãnh đạo TP về việc thực hiện dự án này.
Tòa nhà Hữu nghị Việt Nam – Slovakia ở 31 Lê Duẩn, quận 1. Ảnh: PHƯỚC TĨNH
Trong khi đó, Công ty Bất động sản Diệp Bạch Dương (chủ sở hữu bảy căn nhà đã được cấp giấy chứng nhận sẽ bị thu hồi khi mở rộng dự án này) cũng tiếp tục khiếu nại. Công ty này đề nghị phải làm rõ chức năng của dự án 31 Lê Duẩn có phải là dự án kinh tế hay không. “Theo Luật Đất đai 2013 thì dự án này thuộc trường hợp nào mà Nhà nước thu hồi đất? Nếu vì mục đích phát triển kinh tế thì việc Diệp Bạch Dương xin đầu tư dự án trên đất của mình cũng là phát triển kinh tế. Còn nếu thuộc trường hợp chỉnh trang đô thị thì dự án của chúng tôi cũng là chỉnh trang đô thị, thực hiện theo quy hoạch của Nhà nước. Thế nhưng Công ty Diệp Bạch Dương không được đầu tư trên đất sẵn có của mình, Nhà nước thu hồi đất của chúng tôi giao cho người khác thực hiện là vô lý” – bà Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương, lập luận.
Trước đây, Sở TN&MT có văn bản cho hay để có cơ sở thu hồi đất của Công ty Diệp Bạch Dương, TP cần chỉ đạo UBND quận 1 xác định dự án có thuộc trường hợp chỉnh trang đô thị (là một trong những trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013) hay không. Khi đã đảm bảo đủ căn cứ thu hồi đất, UBND TP sẽ ủy quyền cho UBND quận 1 thu hồi đất theo quy định.
Tiếp đó, UBND quận 1 có văn bản cho hay quận đã ký 15 quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các cá nhân, tổ chức liên quan. Quận 1 cho rằng do Sở TN&MT chậm trình TP ký các quyết định thu hồi mặt bằng của Công ty Diệp Bạch Dương nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Do Luật Đất đai 2013 chưa quy định tình huống dự án đã có quyết định thu hồi đất một phần (như dự án 31 Lê Duẩn) nên quận đề nghị Sở TN&MT hỏi ý kiến Bộ TN&MT để trình TP.
Năm 2008, dự án 31 Lê Duẩn dự định triển khai trên khu đất 1.700 m2 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tại TP.HCM với chức năng trung tâm hội nghị quốc tế, văn phòng, cơ quan nghiên cứu, khu công sở. Theo phản ánh của Công ty Diệp Bạch Dương, sau đó dự án được mở rộng thành hơn 4.000 m2 và thêm các chức năng như căn hộ, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn. Việc mở rộng dự án làm 15 căn nhà của cá nhân và bảy mặt bằng của Công ty Diệp Bạch Dương bị thu hồi. |