Trước đó, vụ cháy giữa tối Trung Thu 2014 tại tầng 7 của tòa nhà A1 – Chung cư 54 Hạ Đình (Hà Nội) khiến hơn 100 hộ dân hoảng loạn, tìm cách rời khỏi tòa nhà. Cũng năm 2014, vào đêm 30-6, tòa nhà A số 190 đường Nguyễn Tuân (Hà Nội) cũng bốc cháy khiến hệ thống điện của tòa nhà bị cháy rụi.
Không chỉ cháy nổ, người ở chung cư những còn phải đối mặt với những nguy hiểm khác, Ngày 30-6-2014, tại tòa nhà N5A đường Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn thang máy khiến ông T.H.T (quê Phú Thọ) tử vong. Một vụ việc tương tự cũng từng xảy ra tại tòa nhà CT3 Yên Hòa, Cầu Giấy khiến ông N.V.H tử vong tại chỗ.
Đáng thương hơn, lan can chung cư cũng là mối nguy đã gây nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, như vụ việc ngày 16-3-2014 tại Khu nhà ở xã hội CT 19, khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội), đã xảy ra một vụ tai nạn khi bé trai 5 tuổi rơi từ tầng 6 dẫn đến tử vong. Rồi vụ việc ngày 18-8- 2014 tại một căn hộ thuộc tầng 15, chung cư Bình Khánh (TP HCM ) cháu T. 5 tuổi rơi từ 15 chung cư xuống tử vong. Hay vụ việc một bé 4 tuổi tại nhà No9B khu đô thị bán đảo Linh Đàm năm 2013…
Bên cạnh những hiểm họa chết người, một số chung cư Hà Nội những vừa qua phải hứng chịu cảnh mất nước trong cái nóng bức ngột ngạt giữa mùa hè. Đó là chưa kể hàng loạt vụ kiện tụng, tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về chất lượng nhà xuống cấp, phí bảo trì, không gian công cộng…
Nhà ở chung cư là một đặc trưng của đô thị, xã hội hiện đại lại càng phát triển thêm nhiều chung cư. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra ở môi trường chung cư đang khiến xã hội lo lắng.
Các vụ cháy có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chủ đầu tư thiếu thiết bị phòng cháy chữa cháy khi bàn giao căn hộ, có vụ cháy do đầy đủ thiết bị nhưng không hề có nước tại các họng cứu hỏa, có vụ cháy bắt nguồn từ hệ thống rác thải bị chủ đầu tư chiếm dụng… Những tiêu chuẩn kỹ thuật của tòa nhà đôi khi cũng bị các chủ đầu tư coi nhẹ gây mối nguy hiểm khôn lường, như rào chắn lan can quá thưa, không dùng nước máy mà hút thẳng nước từ giếng khoan cấp cho tòa nhà…
Để xảy ra những nguyên nhân trên trực tiếp là các chủ đầu tư, nhưng nó cũng xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cơ quan liên quan, của chính quyền các cấp. Thị trường bất động sản đã từng khiến các chủ đầu tư lao đao một phần từ việc làm người tiêu dùng mất niềm tin, nay để thị trường sớm phục hồi thì việc tạo niềm tin, tạo tâm lý sống yên bình tại các căn hộ là điều các nhà đầu tư cần thực hiện. Bên cạnh đó, chính quyền các đô thị cần nâng cao trách nhiệm của mình trong quản lý, giám sát xây dựng, bảo vệ đời sống người dân; cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện những sai phạm về kỹ thuật, an ninh, an toàn, đồng thời xử phạt nghiêm với những chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cố tình sai phạm và bao che sai phạm.