Tại thị trường nội địa, tuần qua giá vàng trong nước gần như lội ngược dòng với đà tăng của vàng thế giới. Chốt phiên cuối tuần, vàng trong nước hiện ở quanh mức 34,7 triệu đồng/lượng, trong khi vàng thế giới vững vàng ở mức 1.200 USD/ounce.
Quy đổi ra tiền đồng Việt Nam (VND) theo tỷ giá 21.830 VND/USD niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới hiện thấp hơn giá vàng SJC trong nước khoảng 3,26 triệu đồng/lượng.
“Ngóng” theo nợ Hy Lạp và giá USD
Giá vàng thế giới tuần qua được hỗ trợ do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố chưa nâng lãi suất, và diễn biến phức tạp về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp.
Các chuyên gia và nhà đầu tư vẫn nghị ngại về dự báo khởi sắc của kim loại quý này
Các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư đang dõi theo diễn biến của tình hình nợ Hy Lạp sau khi Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước trong khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) họp khẩn cấp vào ngày 22/6 tới. Trước đó, cuộc đàm phán về nợ của Hy Lạp đã kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào.
Theo Kitconews, giá vàng vẫn đang chơi trò “kéo co” giữa một bên và USD và 1 bên là nợ của Hy Lạp. Trò chơi này càng gay cấn khi hạn trả nợ của quốc gia này không còn nhiều, trong khi các chủ nợ quốc tế đang hối thúc gay gắt.
Giá vàng đã có chuyển biến tích cực sau 2 tuần liên tiếp, và chạm đỉnh trong phiên giao dịch hôm thứ 5 tuần trước (18/6). Giá vàng Comex giao tháng 8 nhảy vọt gần 2% lên mức 1.201,90 USD/ounce – đỉnh của 4 tuần.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư bán lẻ vẫn chưa được củng cố niềm tin vào xu hướng đi lên của giá vàng. Theo kết quả khảo sát hàng tuần của Kitconews, 52% số người tham gia dự báo vàng giữ xu hướng giảm trong tuần tới. 35% cho rằng vàng sẽ tiếp tục tăng, và 13% giữ quan điểm trung lập.
Những quan điểm trái ngược
Tuy nhiên, kết quả khảo sát các chuyên gia kinh tế không mang lại kết luận rõ ràng như trên. Trong số các chuyên gia thị trường được hỏi, 50% giữ quan điểm trung lập. Chỉ có 11% nhận định vàng sẽ giảm giá, trong khi 39% cho rằng giá vàng sẽ cao hơn.
Một trong số các lý do khiến các chuyên gia tỏ ra ngại ngần trong việc đưa ra nhận định là bởi có quá nhiều yếu tố chưa rõ ràng trên thị trường, đặc biệt là từ phía Hy Lạp. Các nhà kinh tế học cho rằng, nhóm các nước trong khu vực Eurozone sẽ sớm đưa ra đề nghị đối với Hy Lạp nếu như quốc gia này mất khả năng thanh toán nợ.
Diego Iscaro, nhà phân tích kinh tế cao cấp của IHS Global Insight, nhận định, Hy Lạp có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội trả nợ cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào cuối tháng 6 này nếu như hai bên không đạt được thỏa thuận nào trong tuần tới.
Nick Exarhos, chuyên gia kinh tế cấp cao tại CIBC World Markets cho rằng, tình trạng khủng hoảng tại Hy Lạp có ảnh hưởng tích cực tới giá vàng, tuy nhiên ảnh hưởng đó sẽ bị giới hạn bởi vẫn còn cơ hội để 2 bên có thể đạt được một thỏa thuận tạm thời trong ngắn hạn.
Chuyên gia này cũng cho hay, thay vì theo dõi thông tin từ Hy Lạp, ông sẽ tiếp tục xem xét các số liệu kinh tế Mỹ, bởi nó có ảnh hưởng lớn tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất. Các số liệu tích cực sẽ là động lực để FED tăng lãi suất trong tháng 9 tới. Nếu vậy, đồng USD sẽ hưởng lợi, trong khi vàng sẽ phải chịu áp lực nặng nề.