Nghĩa cử đẹp: Điểm phát bánh mì từ thiện tại 369 Xô Viết Nghệ Tỉnh, Bình Thạnh

Mỗi ngày ở Sài Gòn luôn có những câu chuyện tử tế diễn ra. Ngày hôm qua lại có thêm một tủ bánh mì miễn phí ra đời…

Khoảng tuần lễ nay, trước số nhà 369 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đặt một tủ bánh mì đề dòng chữ “Từ thiện – Miễn phí”, bên trong đầy ắp bánh mì không, ở giữa tủ khoét cái lỗ vừa tay người lấy. Ngày đầu đặt tủ, không ít người đi qua, kẻ đi lại hỏi han bánh mì có miễn phí không, có người còn móc tiền ra để trả. Đến 4 giờ chiều, tủ bánh mì hết veo. Nhưng dần dần những ngày sau, như đã quen với việc bánh mì được cho không nên tiếng hỏi cũng vơi dần và ánh nhìn cảm kích lại tăng lên, tủ bánh mì có hôm 11, 12 giờ đã hết. Chủ tủ bánh mì mua thêm bánh để cho thêm nhiều bà con lót dạ.

Sáng 12-1, lê từng bước nặng nhọc đi ngang thùng bánh mì từ thiện, ông Lê Đình Thảo đi bán vé số, quê Phú Yên luống cuống thò tay lấy ổ bánh mì. Ông cất lên tiếng nói khó nhọc như để giãi bày tình cảnh của mình: “Tôi bị tai biến nhẹ. Đi từ sáng đến giờ vẫn chưa có tiền ăn sáng. Mỗi ngày bán được 100 tờ, gửi tiền về quê phụ vợ làm ruộng nuôi ba đứa con. Có ổ bánh mì ăn cũng đỡ tiền ăn sáng lắm”.

Còn chị Thái Thị Huệ, làm nghề nhặt ve chai, quê Quảng Ngãi, 30 năm sống nơi đất khách quê người nhưng Sài Gòn chẳng khác gì nơi chị sinh ra. Hai con chị đã lớn và đi làm một phần cũng là nhờ những suất cơm từ thiện và bánh mì như thế này. Từ ngày có tủ bánh mì, chị thường chỉ chỗ cho chị em cùng cảnh ngộ đến lấy.

[​IMG]

Ông Lê Đình Thảo vui mừng vì có ổ bánh mì lót dạ. Ảnh: H.LAN

Khi được hỏi về ý tưởng đặt tủ bánh mì từ thiện, chị Xuân Lan xua tay nói việc mình làm không đáng gì, chỉ là một chút để chia sẻ cho bà con đang lo lắng mưu sinh, kém may mắn hơn mình. Chị trầm tư: “Nhớ những lần bận công việc, không kịp ăn gì, chỉ cần có ổ bánh mì và ly nước là chịu được tới xế chiều nên mình nghĩ bà con mà có gói xôi hay ổ bánh mì ăn thì cũng giải quyết được cái đói trong vài tiếng đồng hồ như mình. Đề trên tủ là mỗi người một ổ để họ biết lấy chừng mực, lấy nhiều mà không ăn, bỏ uổng chứ không có ý gì khác nhưng ai lấy hơn thì tôi dặn anh bảo vệ vẫn cho người ta vì người ta khó khăn thì mới xin như vậy”.

Đứng hồi lâu quan sát phía bên kia đường, bạn Mai Khanh, thành viên nhóm từ thiện Ước mơ trẻ, mới ngập ngừng đến hỏi anh bảo vệ về tủ bánh mì. Mai Khanh cho biết thấy tủ bánh mì được một thành viên giới thiệu trên một diễn đàn nên đến đây để tìm hiểu, có gì thì phụ một tay với chủ tủ bánh mì. Trước đó, nhờ những thông tin về hoạt động của chuỗi quán cơm Nụ Cười mà nhóm đã kết nối và thường xuyên đến bưng bê, phục vụ cho người nghèo ở những quán cơm này. Mai Khanh cho biết trên diễn đàn cũng có ý kiến trái chiều về việc đặt tủ bánh mì sẽ bị lợi dụng nhưng đến đây thì chẳng thấy sự lợi dụng nào cả, chỉ thấy tủ bánh mì thực sự có ích cho bà con nghèo.

Cách mừng thọ đặc biệt

80 tuổi, không chọn tổ chức tiệc tùng để mừng thọ, ông vận động con cháu trong nhà cùng quyên góp 700 kg gạo để phát cho người bệnh tâm thần, người bị động kinh ở phường để đón tết. Ông là Trần Quang Sang (ngụ đường Lò Gốm, phường 8, quận 6, TP.HCM).

Hội Chữ thập đỏ TP ghi nhận ông đã 17 lần tham gia hiến máu cứu người. Hiến máu từ năm 22 tuổi, đến năm 60 tuổi bác sĩ không cho hiến nữa vì tuổi đã cao. Ông không chịu, năn nỉ bác sĩ cho ông hiến thêm sáu năm nữa.


[​IMG]

Ông Sang phát gạo cho người bị bệnh tâm thần, bệnh động kinh trên địa bàn phường của mình nhân dịp mừng thọ 80 tuổi vào sáng 12-1. Ảnh: THANH TUYỀN

Năm 2007, trong một lần về xã Nhị Bình, Tiền Giang để công tác cùng đoàn cứu trợ, thấy con đường làm dân khó đi. Từ số tiền dành dụm của riêng mình, ông vận động thêm từ con cháu, rồi mang số tiền đó về Tiền Giang làm đường.

Cứ thấy hoàn cảnh ai khó khăn là ông lại ray rứt không yên, nghĩ mọi cách để giúp: Hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh cho người nghèo, tặng thẻ BHYT tự nguyện, vận động để người nghèo nâng nền chống ngập…

Lần mừng thọ này cũng vậy. Ông nói: “Mình còn có cái để ăn là may rồi, ăn bao nhiêu cũng hết. Tiền con cháu nó mừng tuổi để giúp bà con lối xóm, như vậy vui hơn”.

Sáng 12-1, từng bao gạo được ông trao tận tay cho hơn 40 người. Người đến nhận gạo chân lấm tay bùn, áo quần xộc xệch chạy vào nhận rồi hớn hở mang về. Cái gật đầu nhẹ thay cho lời cám ơn, môi mấp mé muốn nói thật nhiều nhưng lại không diễn đạt thành lời. Nói 80 tuổi nhưng thực chất năm nay ông Sang ngang ngưỡng 79 tuổi. Hỏi ông lý do tại sao lại muốn mình già đi trong khi tuổi chưa đến như thế, ông chỉ cười hiền: “Thực ra tôi chỉ lấy cái cớ đó thôi. Tôi thấy sức mình ngày càng yếu, sợ qua năm sẽ không có cơ hội để làm nữa…”.

Danh mục : Tin Tức BDS